Hình thành rõ các hành lang, vùng kinh tế
Tại Hội thảo Tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tổng thể cấp quốc gia.
"Mục tiêu của quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 là hình thành được các hành lang kinh tế, các vùng động lực, các khu kinh tế và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao", ông Quang nói.
Trình bày chi tiết quy hoạch, ông Trần Hồng Quang nêu có 2 hành lang kinh tế chính. Trong đó, hành lang Bắc - Nam gồm vùng phía Đông, gắn với cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau; và vùng phía Tây, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Hành lang Đông - Tây ưu tiên tham gia các hành lang kinh tế quốc tế trong khu vực như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu.
Về các vùng động lực, ưu tiên địa phương có cảng hàng không quốc tế và cảng biển quốc tế, có tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở đó, các vùng được chọn là: tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, khu ven biển Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.
Bên cạnh việc hình thành rõ nét một số vùng động lực, các hành lang kinh tế trọng điểm, Viện trưởng Quang còn chú trọng vấn đề hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định, tăng diện tích các khu bảo tồn.
Về một số dự báo vào năm 2030, ông Quang cho biết: Quy mô dân số khoảng 105 triệu người. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7% giai đoạn 2021-2030. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 7.500 USD. Dân số đô thị khoảng 50%. Cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên đạt 3 triệu ha.
Quy hoạch nông nghiệp theo không gian liên vùng
Một trong những vấn đề được ông Trần Hồng Quang nhấn mạnh tại quy hoạch tổng thể quốc gia, là định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực.
Về công nghiệp, quy hoạch gắn không gian công nghiệp với các hành lang kinh tế ưu tiên, trong đó trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp; đồng thời phân bố các khu công nghiệp tập trung sâu trong nội địa, vùng trung du, mở rộng các cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn.
Về nông nghiệp, quy hoạch định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng, hình thành khu tổ hợp nông - công hiện đại, quy mô lớn tại một số vùng nông nghiệp trọng điểm.
Ngoài ra, diện tích đất trồng lúa được quản lý ổn định ở khoảng 3,4-3,5 triệu ha, các vùng sản xuất hành hóa tập trung, quy mô lớn cần sớm hình thành; quản lý, sử dụng quỹ đất lúa một cách linh hoạt hơn, duy trì các vùng sản xuất nông nghiệp đa canh khi cần có thể quay về sản xuất lúa một cách thuận lợi.
Về du lịch, quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng 6 khu vực động lực, đồng thời ưu tiên đầu tư phát triển 7 khu vực du lịch quốc gia là: Sa Pa (Lào Cai); Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn (Quảng Ninh); Tràng An (Ninh Bình); Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Hội An - Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch định hướng đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành trung lớn bậc nhất khu vực; tổ chức vùng trời cho 6 cảng hàng không, sân bay mới gồm Nà Sản (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết (Bình Thuận), Long Thành (Đồng Nai) và Lai Châu.
Lưu ý vấn đề hồ sơ
Hội nghị nhận nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Trong đó, nổi bật lên một số ý: Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 cần phải có thêm những đánh giá tác động bởi xung đột Nga - Ukraine; Tổ chức không gian phát triển các ngành cần dựa trên quy hoạch vùng động lực, hành lang kinh tế; Đóng góp của quy hoạch trong cam kết phải thải carbon ròng bằng '0' của Thủ tướng tại COP 26; Nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của kinh tế biển đảo, nhất là trong công tác an ninh, quốc phòng.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ: "Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ. Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến hơn nữa của đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các đơn vị liên quan".
Theo Thứ trưởng Phương, quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, tổng hợp và khái quát cao, đồng thời bao quát nhiều ngành, lĩnh vực theo Luật Quy hoạch. Vì vậy, quy trình xây dựng đòi hỏi sự tham của nhiều ngành, lĩnh vực.
Để đảm bảo tiến độ xây dựng dự thảo, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Viện Chiến lược phát triển và Ban soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu, trong đó xây dựng đa dạng các báo cáo như báo cáo tóm tắt, báo cáo thuyết minh để trình các cấp, ban, ngành liên quan. Trong tháng 8/2022, Thứ trưởng Phương đặt mục tiêu hoàn thành dự thảo để trình Hội đồng thẩm định.
"Đây là quy hoạch cao nhất, nên cần mang tính định hướng và gợi mở cho các quy hoạch cấp thấp hơn dựa vào điều chỉnh. Ngoài ra, quy hoạch tổng thể quốc gia cần cập nhật những diễn biến mới của tình hình quốc tế, trong nước", ông Phương nhấn mạnh.
Trước đó, trình bày tại Hội nghị toàn quốc Tham vấn về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu quan điểm quy theo hướng coi đất nước như một thể thống nhất, không bị chia cắt, ràng buộc bởi địa giới hành chính. Các nguồn lực được huy động, sử dụng hiệu quả nhất vì lợi ích chung của đất nước.
Bộ trưởng Dũng cũng chỉ rõ 6 điểm chính về quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030. Thứ nhất, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển. Thứ hai, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, cực tăng trưởng tại khu vực có tiềm năng.
Thứ ba, phát triển theo hướng bền vững; sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ tư, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển các vùng, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng trong dài hạn.
Thứ năm, xây mạng lưới đô thị xanh, thông minh; tăng cường kết nối đô thị và nông thôn. Thứ sáu, gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.