Cũng theo Sở Công thương Bình Thuận, hiện thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nhiều nước trên thế giới, gần đây là tại Nhật Bản. Đây là lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với các thị trường này.
Vì vậy, Sở Công thương đề nghị Cục Xuất nhập khẩu lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh phân phối tại nước ngoài để các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của tỉnh tiến hành liên hệ kết nối, đưa sản phẩm thanh long vào thị trường này.
Cùng với đó hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình Xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại các nước; tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận (thanh long sấy, kẹo thanh long, snack thanh long, nước ép thanh long…); cùng với các tài liệu giới thiệu, quảng bá về địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm thanh long Bình Thuận trong gian hàng Việt Nam tham gia Hội chợ thương mại quốc tế tại các thị trường.
Tiếp tục cung cấp thông tin về tình hình thị trường, giá cả, chính sách pháp luật, rào cản kỹ thuật trong thương mại, các khuyến cáo từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm cũng như kinh nghiệm phát triển thị trường nhằm giúp các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận tìm được đối tác để phát triển, mở rộng thị trường và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu…
Ngoài Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Sở Công thương Bình Thuận còn gửi văn bản Sở Công thương các tỉnh, TP; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Xúc tiến thương mại; Vụ thị trường trong nước và các doanh nghiệp có Sàn Thương mại điện tử như: Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, Tổng Công ty CP Bưu Chính Viettel, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty TNHH Recess, Công ty TNHH Shopee, Công ty Cổ phần TI KI quan tâm hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu tỉnh Bình Thuận.
Tác giả: Kim Sơ
Nguồn: nongnghiep.vn