Cũng giống như gia đình anh Hùng, tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên hiện có 16 hộ tham gia mô hình trồng cam hữu cơ với diện tích gần 20ha. Nhiều hộ có đến 2ha cam hữu cơ. Năm nay cam mất mùa nên thương lái vào thu mua rất đồng. Cam của các hộ gia đình ngoài trồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn có tem truy xuất nguồn gốc và được công nhận đạt 4 sao OCOP. Vụ cam năm nay, trừ chi phí trung bình mỗi ha cam trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ người dân thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Toàn huyện Hàm Yên có diện tích hơn 24ha trồng theo hướng hữu cơ, trong đó diện tích cam hữu cơ là hơn 18ha, còn lại là hữu cơ chuyển đổi. Diện tích cam này tập trung chủ yếu tại thị trấn Tân Yên, xã Tân Thành, xã Nhân Mục.
Tổng sản lượng cam hữu cơ ước đạt khoảng 80 tấn. Đến thời điểm này, các nhà vườn đã bán được khoảng 30% sản lượng cho hệ thống các nhà hàng, siêu thị tại Hà Nội, TP. HCM... trong đó thị trường TP. HCM tiêu thụ chiếm 70% sản lượng.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang cho biết, trồng cam hữu cơ nông dân được hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và xúc tiến thương mại và kết nối thị trường. Khi trái cam được thu hoạch, ăn có vị đậm đà hơn và lâu bị thối mốc hơn so với trồng cam theo mô hình thông thường. Các tổ, nhóm cũng buộc các thành viên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, minh bạch về thông tin.
Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 6.400ha cam, sản lượng ước đạt 83.000 tấn. Giữ vững thương hiệu, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và các đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng cam theo hướng nông nghiệp tốt, VietGAP, hữu cơ.
Huyện Hàm Yên đã thành lập tổ công tác kiểm tra dọc tuyến quốc lộ sau vụ cam để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ cam bán trên địa bàn. Chính quyền địa phương cũng tiến hành kiểm tra gắt gao trước, trong và cả sau vụ cam, đảm bảo người trồng cam không sử dụng hóa chất để bảo quản cam.