Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu sắn đạt gần 2,9 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về trị giá so với năm 2020. Như vậy, trong năm qua, sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong những mặt hàng nông sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhờ nhu cầu cao từ Trung Quốc.
Tinh bột sắn và sắn lát đều tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu trong năm qua. 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 1,84 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 865,5 triệu USD, giảm 0,8% về lượng, nhưng tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tinh bột sắn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Papua New Guinea, Philippines và Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,76 triệu tấn, trị giá 826,68 triệu USD, tăng 1,3% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020
Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam cũng xuất khẩu được 780,11 nghìn tấn sắn lát khô, trị giá 202,06 triệu USD, tăng 43,4% về lượng và tăng 60,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Sắn lát khô được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 88,6% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 691,24 nghìn tấn, trị giá 172,71 triệu USD, tăng 54,1% về lượng và tăng 74% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu sắn lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi.
Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022.
TUYÊN QUANG Vụ cam năm nay, người trồng cam hữu cơ ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu lãi cả trăm triệu đồng vì cam được giá và được thị trường khó tính đón nhận.