May 27, 2022
Anh Lê Trần Thiện Nhân, giám đốc sản xuất Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, đạt tiêu chuẩn Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập từ năm 2017, cho biết, ngoài Hợp tác xã (HTX) Trí Lực, Tấn Vương đang liên kết với HTX Thành Công ở huyện Thới Bình trồng giống ST24, ST25 theo chuẩn hữu cơ.
Năm 2010, vùng này bỏ lúa mùa làm lúa ngắn ngày, mỗi lần thu hoạch phải khấn vái thần Tài, ông Địa. Nay thì như lời bà Lê Thị Điệp, 67 tuổi, dân cố cựu ở xã Trí Lực, "tới khi làm tiêu chuẩn, vừa xuống giống đã có người mua rồi”.
Lúc còn là tổ hợp tác (năm 2013), Công ty Lương thực Tấn Vương đã tới đây. Nhưng hồi đó thương lái thấy lúa ngon, bỏ cọc cao hơn, mua gom hết. Năm sau, công ty không mua thì lái cũng biến mất, bà con xã Trí Lực ai cũng rành chuyện này.
“Năm 2018, HTX Trí Lực được thành lập chỉ có 15 thành viên, canh tác 50ha. Công ty Tấn Vương trở lại hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận. Từ những thành công của 15 thành viên này, chỉ sau 1 năm, HTX đã quy tụ 200ha. Hiện nay, vùng tôm - lúa và vùng trồng lúa an toàn đã trên 1.000ha, 500 hộ dân cùng thực hiện quy trình trồng lúa hữu cơ", ông Lê Văn Mưa, giám đốc HTX là người Cần Thơ, cho biết.
Do đặc điểm vùng đất Thới Bình, HTX Trí Lực sản xuất 2 vụ tôm, 1 vụ lúa. Vụ nuôi tôm thường bắt đầu từ cuối tháng 8 dương lịch và thu hoạch lúc cận Tết. Tùy theo thời tiết, khi thì nuôi tôm sú, khi thì nuôi tôm càng xanh; khi thì xen canh tôm - lúa. Hồi xưa, từ lúc xuống giống, cán bộ kỹ thuật của Tấn Vương có mặt 24/24 tại xã Trí Lực. Bây giờ, không có người của công ty, bà con cũng làm đúng bài bản vì nếu dùng thuốc thì con tôm không sống được.
Ngoài phần bán cho công ty, HTX dành lại một ít lúa gạo để ăn và đóng gói với thương hiệu gạo hữu cơ Hoàng Yến, giá bán từ 24.000 - 30.000 đồng/kg. Trong dịp Tết, lượng gạo bán ra 200 - 300 kg/tháng. “Hoàng Yến không phải là giống lúa mà là tên của những hàng cây trổ bông vàng rực đường làng. Hồi xưa, chương trình AMD giúp dân ở đây cách thích nghi biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế… đã tặng cây bông này cho tụi tui. Hoàng Yến là nhãn hàng riêng của HTX là để nhớ ơn AMD đã giúp mình”, bà Lê Thị Điệp, có con là chị Trương Thị Kiều Diễm, phó giám đốc HTX Trí Lực, nói. Từ mùa này, lúa hữu cơ được các công ty thống nhất giá mua cố định 9.000 - 9.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt tiêu chuẩn khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.
“Trồng lúa hữu cơ thì cái lợi lớn nhất là nuôi tôm vụ nào chắc vụ nấy”, chị Diễm, phó giám đốc HTX Trí Lực cho biết. Hiện nay, HTX dành 35ha thực hiện mô hình “Sản xuất tôm - lúa có trách nhiệm và thích ứng với biến đổi khí hậu”, dự án được Quỹ khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD) hỗ trợ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam điều phối, giúp nhà nông tiếp cận nguồn tài chính xanh, tăng lợi nhuận trong sản xuất tôm - lúa, có doanh nghiệp đồng hành.
Từng lao đao vì chịu cảnh trồng lúa thần nông, trồng mía và lén nuôi tôm..., ngày nay, bà con làm theo tiêu chuẩn, có đầu ra; dân đủ sống, con nít được đi học đàng hoàng, không ai phải bỏ xứ đi Bình Dương hay lang bạt tứ xứ. Chị Diễm thú thiệt: “Đừng cười chứ thành viên HTX tụi tui, người học hết lớp 9 đếm không hết đầu ngón tay, nên những lúc thăng trầm của HTX không biết đường nào tính cho bớt khổ”.
Còn bà Lê Thị Điệp nhớ lại những chặng đường biến đất lau sậy thành đất thuộc, đắp bờ bao trồng chuối, trồng khóm, trồng mía, trồng lúa, chuyển đổi biết bao nhiêu lần mà nhà nào đủ ăn, đừng thiếu nợ là mừng lắm rồi. Tới năm 2007, trồng cây gì, nuôi con gì cũng sợ thu hoạch rồi mà lái không mua hoặc mua giá rẻ như bèo, còn bây giờ dân ở đây ăn gạo ngon nhất thế giới, tiêu chuẩn hữu cơ, con gà cũng ăn tấm hữu cơ, tất cả đã thoát được cảnh thống khổ.
Nguồn: Ngọc Bích - nongnghiepviet.vn
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016