September 10, 2018
Vào hai ngày 06/03 và 07/03/2018, Hội thảo “Công nghệ sau thu hoạch của Israel – Chìa khóa dẫn đến thành công” đã diễn ra tại TPHCM và Cần Thơ, với mong muốn giới thiệu các công nghệ tiên tiến và phù hợp từ Israel trong lĩnh vực nông nghiệp đến với thị trường Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nadav Eshcar – Đại Sứ Đặc mệnh toàn quyền nhà nước Israel tại Việt Nam nhấn mạnh, Israel và Việt Nam đều là các quốc gia khá là trẻ. Và khi nói về lịch sử của quốc gia Israel hay Việt Nam thì cả hai quốc gia đã từng có những thành công rất tuyệt vời. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, Israel đã phát triển và đạt được nhiều thành công. Đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
“Chúng tôi rất tự hào khi giới thiệu ra thế giới về điều này. Hiện nay, chúng tôi đã có cả một ngành nghiên cứu và phát triển cho nông nghiệp. Và các doanh nghiệp tư nhân của chúng tôi cũng đã ứng dụng rất tốt các kết quả nghiên cứu vào trong thực tiễn, góp phần tạo ra một chu trình giúp cho công nghệ cao của Israel ngày càng tiến sâu vào ngành nông nghiệp.
Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, chúng tôi nghĩ việc áp dụng các công nghệ này cũng rất phù hợp. Chúng tôi rất vui khi chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng rất quan tâm về nông nghiệp công nghệ cao và chúng tôi cảm thấy tự hào được đóng góp một phần vào sự phát triển nông nghiệp Việt Nam”, Nadav Eshcar chia sẻ.
Ông Yaniv Tessel – Tham tán kinh tế, thương mại Israel tại Việt Nam Israel cho biết, Israel là một quốc gia nhỏ có diện tích 21.000 km2, với hơn phân nửa đất đai là hoang mạc và bán hoang mạc. Nửa còn lại là rừng cộng với đồi dốc.
Thêm vào đó, vùng đất của chúng tôi còn nổi tiếng với khí hậu và địa hình phức tạp, có nơi cận nhiệt đới nơi lại khô cằn, có khu vực thấp hơn mực nước biển 400m, lại có những vùng là đụn cát, gò đất phù sa…. Do đó, chỉ 20% diện tích đất đai (khoảng 4.100 km2) là có thể trồng trọt.
Trước áp lực từ việc dân số tăng nhanh lại thêm lượng người nhập cư đổ về ồ ạt từ cuối những năm 1980 dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp gia tăng đáng kể, Israel đã không ngừng nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Kết quả là chỉ trong thời gian ngắn quốc gia này đã chuyển từ tình trạng thiếu lương thực đến tự túc lương thực, thực phẩm và trong 5 năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp luôn vượt con số 3,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu chiếm trên 20%. Luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, Israel đã trở thành một điển hình nông nghiệp của thế giới.
Hơn thế, theo Tiến sĩ Ron Porat đến từ Viện nghiên cứu sau thu hoạch ARO, Trung tâm Volcani, Israel, hiện nay, các nhà khoa học của Viện đã thực hiện các nghiên cứu và cho ra đời nhiều công nghệ bảo quản sau thu hoạch, giúp nông sản được tươi ngon trong thời gian dài mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng cao.
Chẳng hạn như phương pháp bảo quản khoai tây không sử dụng hóa chất để giảm đáng kể tỉ lệ nảy mầm trong quá trình lưu trữ (với bí quyết chính là ở thành phần dầu bạc hà). Hay như việc tăng hạn sử dụng cho quả lựu tới 4 tháng mà vẫn duy trì lượng dinh dưỡng. Hoặc sử dụng các túi khí vi đục, hay các hệ thống sưởi ấm giúp giải quyết vấn đề về hình thức cho hành tây và tiêu.
Ngoài ra, còn có các công nghệ mới khác như các phương pháp kéo dài tuổi thọ của táo Granny Smith; phát triển loại ngũ cốc giàu protein đặc biệt cho thức ăn gia súc giúp tăng sản lượng sữa; công nghệ không sử dụng GMO (biến đổi gien) với tên gọi Enhanced Ploidy (EP) có thể giúp tăng sản lượng các loại cây trồng như ngô lên tới 50%,…
Dự kiến, khoảng 2 tháng nữa (tháng 5 năm 2018), Israel sẽ tổ chức triển lãm về nông nghiệp mang tầm quốc tế lớn nhất tại Rìa Sa mạc. Đây là chương trình được thực hiện 3 năm một lần và chủ yếu tập trung về nông nghiệp.
Tại triển lãm này, các chuyên gia sẽ tập trung giải quyết các thách thức độc đáo trong bối cảnh trái đất nóng lên, thay đổi khí hậu, thiếu nước và các yếu tố khác góp phần dẫn tới hiện tượng sa mạc hóa. Đồng thời, họ cũng sẽ chia sẻ những nghiên cứu hiểu biết sâu sắc của họ và cả những chiến thuật thực tế để tạo ra những giải pháp bền vững cho nền nông nghiệp bền vững ở sa mạc và các khu vực bán khô hạn.
Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở các nước đang phát triển lên đến 20 – 30%. Nghĩa là với chừng ấy tỷ lệ nông sản được sản xuất ra nhưng không được đến tay người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt khoảng 10%, đối với cây có củ 10 – 20% và rau quả 10 – 30%. Nguyên nhân chủ yếu do thu hoạch đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách.
(Theo itrade.gov.il)
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016