September 10, 2018
Công nghệ sau thu hoạch là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế thất thoát các loại nông sản, thủy sản đến mức thấp nhất. Ngày nay, phát triển công nghệ sau thu hoạch là vấn đề quan tâm của nông dân và các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ nông sản, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm tạo nguồn cung ứng ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các công nghệ sau thu hoạch ngày càng được cải tiến và mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành nông nghiệp nói chung và người dân ở ĐBSCL nói riêng. Một số công nghệ đang được nhiều người quan tâm hiện nay, bao gồm:
- Công nghệ sản xuất trái cây sấy theo công nghệ thẩm thấu: Theo công nghệ này, trái cây (xoài, khóm, mít, ...) được gọt vỏ, cắt miếng và hấp ở 90 - 95oC trong 3 phút, sau đó được ngâm thẩm thấu trong dung dịch nước đường trong vài giờ để loại bỏ lượng nước và chất chua có trong trái cây đồng thời làm cho trái cây có vị ngọt dễ ăn. Cuối cùng trái cây được sấy và đóng gói trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ.
- Công nghệ sấy sử dụng năng lượng mặt trời: Nhà sấy sử dụng tấm Polycarbonate để thu và giữ nhiệt từ ánh nắng mặt trời và sấy khô các loại củ, quả, hạt như khoai lang, cà chua, cà rốt, chuối, xoài, thanh long, nhãn, … và đặc biệt là các loại nấm ăn và nấm dược liệu như bào ngư, linh chi, … Công nghệ này đơn giản, dễ áp dụng tùy theo diện tích sử dụng để lắp đặt nhà sấy.
- Công nghệ sản xuất mứt đông: Sau khi lựa chọn nguyên liệu, tiến hành rửa, chà, lọc, phối trộn và tạo đông. Để tạo được cấu trúc gel tốt phải để yên sản phẩm ít nhất 12 giờ ở nhiệt độ thường. Thời gian tạo đông nhanh ở nhiệt độ từ 10 - 20oC. Với công nghệ này, mứt đông được sản xuất ở quy mô công nghiệp với nhiều loại trái cây nhiệt đới ở ĐBSCL như khóm, cam, xoài, chanh dây, mít, nho, thanh long ruột đỏ, … và giữ được hương vị, màu sắc đặc trưng của trái cây sử dụng.
- Công nghệ sản xuất rượu vang từ trái cây hoặc nông sản (gạo, khoai lang): Công nghệ này giúp tận dụng nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào ở ĐBSCL để sản xuất rượu vang. Theo công nghệ này, nấm men được sử dụng để lên men rượu vang và sản phẩm sau khi sản xuất có độ cồn cao, hàm lượng đường thấp, mùi vị thơm hài hòa và màu sắc sáng đẹp.
Ngoài ra còn một số công nghệ khác như: công nghệ sản xuất si rô từ trái cây; công nghệ sữa lên men kết hợp với trái cây; công nghệ rửa rau quả và thủy sản trong công nghiệp (không sử dụng Chlorine); công nghệ sản xuất Chitosan từ phụ phẩm chế biến thủy sản; công nghệ cấp đông siêu tốc trong bảo quản và chế biến thực phẩm, thủy sản; …
Tỉnh Sóc Trăng trong những năm qua đã ứng dụng công nghệ sau thu hoạch chủ yếu trong sản xuất và bảo quản lúa gạo, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến thủy sản. Các công nghệ chế biến thực phẩm từ nông sản chưa được áp dụng phổ biến một phần do đa số người dân và doanh nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng chưa chủ động ứng dụng công nghệ và chuyển giao công nghệ từ các viện, trường, doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng nhiều hơn những công nghệ tiên tiến được chuyển giao trong bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản và cây dược liệu quý nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, thủy sản; phục vụ tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu, cải thiện đời sống của người dân.
Phước Vinh
Phòng SHTT ATBX&TT
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016