Thừa nhận thách thức từ thị trường Trung Quốc, nhưng ông Thìn bảo lưu quan điểm rằng đây vẫn là một thị trường quan trọng, là "thỏi nam châm" hút doanh nghiệp trên toàn thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Vấn đề ông đặt ra, là làm thế nào để duy trì ổn định cho toàn chuỗi cung ứng, tránh những cú sốc như đợt tắc biên vừa rồi.
Từ kinh nghiệm bản thân, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ nhấn mạnh, rằng các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp cần liên kết, chứng tỏ năng lực trong việc kiểm soát dịch bệnh, khi Trung Quốc duy trì chính sách "Zero Covid".
"Bên cạnh công tác kiểm dịch thực vật, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, chúng ta cần sớm kích hoạt gấp những biện pháp kiểm soát mối nguy sinh học, cụ thể là Covid-19. Các bên liên quan cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc thực hiện nguyên tắc 5K, sử dụng găng tay khi chế biến, đồng thời xét nghiệm lực lượng lao động thường xuyên. Đây là cách để Việt Nam thể hiện thiện chí trong việc kiểm soát mối nguy sinh học, vốn được Trung Quốc rất quan tâm thời gian qua", ông Thìn chia sẻ.
Song song với kiểm soát dịch bệnh, ông Thìn kiến nghị Bộ, ban, ngành phối hợp với các đơn vị vận tải trong và ngoài nước nghiên cứu, phát triển hệ thống tàu chuyên chở hàng lạnh. Đây là cách vận chuyển không cần containter, và sẽ tạo ra những kho lạnh di động trên biển, vừa phục vụ xuất khẩu, vừa có thể sử dụng để phục vụ cho việc khai thác hải sản xa bờ.
"Giải pháp lâu dài là phát triển đội tàu đông lạnh nội địa. Còn trước mắt, một vài công ty xuất khẩu có thể làm việc chủ động với các hãng tàu quốc tế, nhằm giải quyết vấn đề thiếu containter rỗng. Với những tàu vài nghìn tấn, doanh nghiệp có thể đưa vào sâu trong vùng nguyên liệu, giúp giảm bớt chi phí logistics", ông Thìn nói tiếp.
Coi đường biển là một lựa chọn, nhưng lãnh đạo Công ty Rồng Đỏ cho rằng, tập quán canh tác, vị trí địa lý với Trung Quốc, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông hiện có của Việt Nam vẫn tối ưu với vận chuyển đường bộ.
Ông Thìn cho rằng, không thể vì tình trạng ùn tắc nông sản dịp sát Tết nguyên đán mà chúng ta lại bỏ quên việc nâng cao năng lực để nước bạn "mở rộng cửa" với nông sản Việt.
Theo ông, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và một số đơn vị khác cần sớm tạo cơ chế để phía Trung Quốc hoặc một bên thứ ba độc lập đến kiểm tra thực địa. Trên tinh thần làm nghiêm túc trong mọi khâu, ông Thìn tin Việt Nam sẽ giải quyết được bài toán cung - cầu thị trường.
Về giải pháp dài hạn cho thanh long, ông Mai Xuân Thìn đặt ra bài toán tái cơ cấu giống cho loại quả có sản lượng hơn 1,4 triệu tấn này. Hiện Việt Nam có ba giống thanh long là: thanh long vỏ đỏ ruột trắng, vỏ đỏ ruột đỏ, và vỏ vàng ruột trắng. Trong đó, hai loại đầu trồng là chủ yếu, với tỷ lệ khoảng 80-20.
Trong sản xuất thực tế, chi phí cũng như quy trình canh tác thanh long ruột đỏ mất nhiều hơn. Tuy nhiên, sản phẩm này lại có thể chế biến sâu làm cocktail, thức uống. Hiện nay nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua trữ đông thanh long ruột đỏ với giá từ 5.000 - 7.000 đ/kg, thay vì 500-1.000 đ/kg như thanh long ruột trắng, theo ông Thìn.
Để có thể nâng tỷ lệ trồng thanh long ruột đỏ, vị giám đốc này nhận định cần thời gian khoảng 2 năm. Đây là giống được nghiên cứu và lai tạo bởi Viện Cây ăn quả Miền Nam và được trồng rộng rãi ở nhiều vựa thanh long lớn.
Bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh nêu 2 vấn đề lớn nhất của việc xuất khẩu nông sản bằng đường biển. Một là, chi phí logictic tăng rất cao, vượt tầm kiểm soát, đặc biệt là những quốc gia không sở hữu các tàu vận tải thương mại hoặc container rỗng như Việt Nam.
Hai là, hầu hết các loại quả nhiệt đới như thanh long, xoài, sầu riêng….đều không đủ khả năng giữ nguyên chất lượng khi đi dài ngày trên biển đến Bắc Mỹ hoặc Châu Âu, trong bối cảnh công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn hạn chế.
Lấy ví dụ trong năm 2021, bà Ngọc cho biết, thời gian di chuyển containter bằng đường biển sang Mỹ là khoảng 45 ngày, chưa kể thời gian tắc nghẽn tại cảng biển do thông quan bị chậm. Cụ thể, 1 containter 40 ft từ Việt Nam đi Los Angeles khoảng 20.000 USD. Con số này nhiều khi vượt quá giá trị hàng hoá nông sản bên trong.
Do định hướng xuất khẩu chính sang thị trường Mỹ và châu Âu là chính, nên Công ty Đại Dương Xanh không bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt ùn tắc nông sản vừa qua. Trên cơ sở đó, bà Ngọc cho rằng, cần một quy hoạch căn cơ cho vùng nguyên liệu để sản xuất theo yêu cầu của từng thị trường.