Thay đổi tư duy "ăn xổi" của nông dân
Ông Trần Văn Tú, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Bắc Giang cho biết: Từ năm 2002 đến nay, Bắc Giang đã làm rất tốt việc phát triển các chuỗi sản xuất rau, củ, quả làm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Sản xuất nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, doanh nghiệp, HTX muốn tích tụ đất đai xây dựng vùng nguyên liệu rất khó khăn do tâm lý người dân sợ mất đất khi tham gia liên doanh, liên kết.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết, liên kết của người dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, việc cân đối quyền lợi của các thành phần tham gia vào chuỗi liên kết chưa phù hợp, vẫn xảy ra những mâu thuẫn về lợi ích giữa các thành phần tham gia.
“Đây là mâu thuẫn vô hình, nhưng nếu không có phương án tháo gỡ thì sẽ rất khó để có thể xây dựng chuỗi liên kết bền vững” ông Tú cho hay.
Ngoài ra, sự am hiểu về quy định pháp luật, thỏa thuận kinh tế của người dân còn hạn chế, nên hình thành tâm lý không thích tham gia vào chuỗi liên kết mà chọn sản xuất, buôn bán tự do. Vì vậy, nhiều chuỗi liên kết khó triển khai bài bản, nhân rộng hoặc để nhân rộng mất rất nhiều thời gian, công sức…
Để tháo gỡ việc này, theo ông Tú, cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan quản lý, nhất là chính quyền cơ sở trong việc lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín giới thiệu liên kết đồng hành với người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình hiệu quả để người dân nhận thấy lợi ích thực sự của liên kết sản xuất, từ đó thay đổi tư duy, tập quán canh tác.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, nhằm phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến đối với các sản phẩm nông, lâm sản giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Giang tập trung phát triển các vùng nguyên liệu có thế mạnh như rau, quả vải, cam, bưởi, gỗ, sản phẩm thịt lợn, gà... Theo đó đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 77 vùng sản xuất rau tập trung, diện tích hơn 7.700 ha, trong đó có 18 vùng sản xuất rau thuộc vùng nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao (UDCNC).
Ông Đặng Văn Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ: Hiện HTX có 11 thành viên chính thức và 60 thành viên liên kết. Trung bình mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường 60 - 70 tấn dược liệu, 500 - 550 tấn rau các loại.
Theo ông Hưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là diện tích sản xuất của các hộ dân manh mún, nhỏ lẻ. HTX muốn mở rộng quy mô phải liên kết với rất nhiều hộ, trong khi mỗi hộ một suy nghĩ, thói quen canh tác nên gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Bên cạnh đó, khi HTX ký kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phải đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng, ổn định. Tuy nhiên, để các hộ sản xuất thực hiện đúng quy trình thỏa thuận, đòi hỏi công tác kiểm soát phải tăng cường cao hơn, đồng nghĩa với chi phí, nhân lực của HTX tăng theo…