Trước hết, Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60-70%, còn lại (30-40%) là của các nhà máy chế biến.
Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất. Điều này có thể đạt được bằng việc xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa các nhà máy đường và các hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.
Bên cạnh đó là nâng cao sức cạnh tranh trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm bằng các cơ chế hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy và trong hệ thống thương lái như hiện nay, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm phụ trong ngành mía đường.
Các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương cần tăng cường kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là đối với nguồn đường nhập lậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh của ngành mía đường. Cần có các cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn, cả ở cấp trung ương và địa phương nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này trong tương lai.
Ngành mía đường đang rất cần có đánh giá tổng thể, khách quan về lợi thế cạnh tranh của ngành, bao gồm cả sự cạnh tranh giữa cây mía và cây trồng khác có sử dụng cùng nguồn quỹ đất.
Việc đánh giá khách quan tổng thể về ngành sẽ cho phép xác định các điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và rủi ro của ngành, từ đó làm nền cho việc thảo luận cấp vĩ mô về tương lai của ngành.
Bảo đảm quyền lợi cho người trồng mía
Một vấn đề lớn đang gây bức xúc cho người trồng mía hiện nay là thiếu sự minh bạch. Ông Hồ Thành Biên, một nông dân trồng mía ở Tây Ninh, cho rằng, nông dân trồng mía hiện không biết được giá trị thực mà họ làm ra, do chưa có chưa có cơ chế minh bạch đánh giá chất lượng mía đưa về các nhà máy.
Theo TS. Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường Việt Nam, do thiếu sự minh bạch nên nông dân trồng mía không được thương thảo giá, không biết chữ đường, không biết số tiền sẽ nhận được … Đây là một nghịch lý lớn trong ngành mía đường hiện nay.
Chính vì vậy, ngoài việc cần phải có một cơ chế để minh bạch trong việc hình thành các tổ chức đại diện cho người trồng mía để bảo vệ quyền lợi của nông dân là rất quan trọng, bởi các hộ trồng mía có vai trò sống còn đối với ngành mía đường khi đảm nhận gần như toàn bộ nguồn cung mía nguyên liệu.
Về điều này, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, ở Thái Lan, có khoảng 300 nghìn hộ trồng mía và không có hộ nào làm ăn đơn lẻ. Toàn bộ các hộ đều tham gia vào các hiệp hội, hợp tác xã, các tổ chức này đứng ra liên kết với các nhà máy đường.
Do đó, cần phải đẩy mạnh việc hình thành các HTX trong ngành mía đường Việt Nam và khuyến khích nông dân tham gia các tổ chức này. Qua đó, nông dân trồng mía mới có được tiếng nói và bảo đảm được quyền lợi chính đáng của mình.
Ông Võ Văn Lương, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU)
Trong liên kết với người trồng mía, điều quan trọng nhất là sự minh bạch, đồng thời luôn đảm bảo sự chính xác trong việc đo chữ đường. Bên cạnh đó là việc duy trì chính sách hỗ trợ đầu vào và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Trong những năm qua, NASU luôn hợp tác chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Mía đường Việt Nam để đưa giống tốt, tiến bộ kỹ thuật và giúp nông dân triển khai sao cho dễ áp dụng nhất, chi phí thấp nhất, lợi nhuận tốt nhất.