Xuất thân là một nhà khoa học nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khơi gợi cảm hứng cho cán bộ làm khoa học công nghệ về những anh hùng lao động, các thế hệ giáo sư suốt ngày ngoài đồng. Họ tranh thủ nghỉ trưa, thậm chí ăn ngoài đồng để lai tạo bằng được những giống mới có hiệu quả.
Ngay trong sáng 7/1, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã xuống thăm một cơ sở sản xuất giống lớn tại Việt Nam. Qua buổi làm việc, ông định hướng, các nhà khoa học nông nghiệp phải thay đổi tư duy. Cụ thể, là tập trung vào tăng trưởng sản phẩm hiện hữu; hướng mũi nhọn đầu tư vào những thứ như phòng thí nghiệm, đồng ruộng, vật tư đầu vào...
"Thỉnh thoảng, tôi được nghe có những thạc sỹ, tiến sỹ không chịu ra đồng, và thấy đau lòng. Giờ toàn ngành nông nghiệp phải làm thật, nghiên cứu thật, tạo ra sản phẩm thật, có như vậy mới đạt được mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD mà Thủ tướng đặt ra cho ngành trong năm 2022", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cơ chế quản lý còn rườm rà
Theo dự toán ngân sách năm 2021 của Bộ NN-PTNT, số chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ là hơn 700 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường cho biết, một phần lớn trong số này được dành để đầu tư vào ngành giống, công nghệ sinh học. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, được đánh giá cao, có sức lan tỏa lớn, và đóng góp nhiều vào tăng trưởng của ngành, cũng như nâng cao đời sống người dân.
Bước sang năm mới 2022, bà Thủy nhận định, Nghị định 60 về việc tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị công lập nghiên cứu khoa học sẽ đặt ra những nhiệm vụ, thách thức mới. Kéo theo đó, hệ thống dịch vụ công, văn bản quy phạm pháp luật, nguồn đầu tư, nguồn vốn cũng phải "co kéo" để thích ứng.
Thay mặt Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Phó Vụ trưởng Nguyễn Hữu Ninh thừa nhận những vấn đề tồn tại trong năm 2021. Cụ thể: Hệ thống cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa thực sự giải phóng cho các tổ chức khoa học công nghệ và cán bộ làm nghiên cứu khoa học; chưa khuyến khích doanh nghiệp hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ.
Ngoài ra, việc nhận thức về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; đặc biệt đối với việc tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiếp cận công nghệ hiện đại trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ số. Cơ chế quản lý khoa học công nghệ còn chậm đổi mới, mang nặng tính hành chính, thủ tục rườm rà.
Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp so với yêu cầu; việc xã hội hóa nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế. Nghiên cứu khoa học thiếu tính liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với tổ chức chuyển giao, trường đào tạo, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp.
Bất chấp những khó khăn chủ quan, cũng như khách quan vì dịch bệnh, biến đổi khí hậu, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ vẫn đạt một số kết quả. Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; xây dựng nhiều thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; phát triển các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp...
Đồng thời, Vụ góp phần giúp Bộ NN-PTNT hoàn thành 279 nhiệm vụ khoa học công nghệ, đẩy mạnh thực hiện công nhận vùng, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lưu giữ an toàn 26.000 mẫu giống tại ngân hàng gen hạt giống.
Trên cơ sở hướng tới việc hoàn thành những mục tiêu chung của toàn ngành nông nghiệp, Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Thủy kêu gọi sự chung tay, chủ động từ các Viện, trường nghiên cứu. Bên cạnh đó, lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường cam kết phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thành nhiệm vụ