Toàn TP. Hải Phòng hiện có 1.028 tàu cá đã được đăng ký trên hệ thống VNFishbase, trong đó có 1.007 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Với các tàu thuyền đánh bắt thủy sản xa bờ, truyền thống lâu nay, ngư dân vẫn thường hoạt động theo tổ đội và khi khai thác trên biển sẽ thường xuyên thông tin cho nhau về ngư trường để đánh bắt, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm chi phí.
Những năm gần đây, do nguồn lợi thủy sản giảm, chi phí đi biển tăng, những kinh nghiệm truyền thống của ngư dân không còn phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Trước thực trạng này, ngoài việc đầu tư tăng năng lực sản xuất như trang bị máy móc, thiết bị công nghệ mới và nâng cao tay nghề lao động, các thông tin dự báo ngư trường đã được ngư dân quan tâm nhiều hơn.
Ngư dân Đinh Văn Ngọc, có tàu neo tại cảng cá Ngọc Hải cho biết, anh đã đi biển hơn 10 năm nay, trước đây hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm gia truyền nhưng nay phải dựa vào môt phần ở thiết bị máy móc do nguồn lợi thủy sản giảm.
Do vậy, khi tiếp cận được thông tin về ngư trường, phần nào đã giúp ngư dân thuận lợi hơn trong đánh bắt thủy sản, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả khai thác trên các vùng biển, đồng thời là cơ sở để công tác quản lý nghề cá đạt hiệu quả hơn.
Theo tìm hiểu, công tác dự báo ngư trường khai thác nguồn lợi hải sản đã được Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện từ những năm 1996 đến nay, các mô hình dự báo ngày càng được hoàn thiện, nâng cao về chất lượng.
Việc phát hành các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản hạn mùa, hạn tháng cho nghề câu cá ngừ đại dương, rê, vây, chụp mực và cá ngừ vằn 7-10 ngày cho nghề câu cá ngừ đại dương trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Gần đây, nhiều tàu đóng mới làm nghề lưới vây, lưới rê trang bị máy công suất lớn và thiết bị khai thác hiện đại như lưới vây cơ giới, sử dụng ánh sáng đèn LED và máy dò cá đã làm tăng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, còn nhiều tàu khai thác cá nổi nhỏ chưa có điều kiện trang bị nên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dẫn đến sản lượng khai thác không ổn định, chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Viện Nghiên cứu Hải Sản khẳng định, muốn đem lại hiệu quả cao trong khai thác hải sản, ngoài đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, lực lượng lao động và năng lực quản lý phù hợp mà còn rất cần sự đóng góp của khoa học nghề cá, trong đó dự báo ngư trường khai thác là yêu cầu cấp thiết.
Xuất phát từ thực tiễn đó, cũng như để nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, trong giai đoạn 2018 - 2021 một đề tài cấp Nhà nước, nghiên cứu dự báo ngư trường khai thác nguồn lợi cá nổi nhỏ biển Việt Nam đã được triển khai.
Qua 3 năm thực hiện, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đã xây dựng, phát triển, hoàn thiện và cập nhật hệ thống thông tin các cơ sở dữ liệu phục vụ dự báo ngư trường khai thác nguồn lợi cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam.
“Nghiên cứu này đã giúp xác định được mối quan hệ giữa cấu trúc các trường thủy động lực và môi trường biển với biến động ngư trường khai thác cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam và có được mô hình thực nghiệm dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam”, ông Minh thông tin.
Ở Việt Nam, sau hơn 20 năm nghiên cứu, cơ sở khoa học trong xây dựng dự báo ngư trường khai thác hải sản đã đạt được bước tiến đáng kể, mô hình và các sản phẩm dự báo ngư trường được đánh giá là tiên tiến, bởi nó phản ánh được mối quan hệ ngư trường, sinh học, môi trường.
Mặt khác, các bản tin dự báo được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học vững chắc, với nguồn số liệu hải dương học và nguồn lợi được cập nhật liên tục, đảm bảo tính thực tiễn phục vụ hoạt động khai thác hải sản của ngư dân.
Dự báo phân bố nguồn lợi hải sản và ngư trường khai thác cá biển, các loài hải sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí nhiên liệu và thời gian dò tìm luồng cá là hướng nghiên cứu ưu tiên của nhiều quốc gia, đặc biệt những quốc gia có các đội tàu khai thác hải sản xa bờ như Mỹ, Nhật, Nga, Pháp...
Nguồn: Đinh Mười - Báo Nông nghiệp Việt Nam