Riêng Kali miểng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17-17,5 triệu đồng/tấn và sẽ hướng tới mức 18 triệu đồng/tấn vào cuối Quý 1/2022 do nguồn cung khan hiếm trên thị trường thế giới.
Phân DAP sẽ duy trì đà tăng giá, khi mà ngoài quyết định cấm xuất khẩu của Trung Quốc, Nga cũng đã có động thái xiết lại hạn ngạch xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa nitơ từ 1/12/2021 đến 31/5/2022. Dự kiến, giá bán buôn DAP nâu sẽ sớm vượt mức 23 triệu đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc là 24-25 triệu đồng/tấn.
Cũng theo Vinacam, phân DAP sản xuất trong nước tiếp tục khan hiếm do tình hình quặng Apatit không được cải thiện. Duy nhất, khả năng DAP 64% Hoá chất Đức Giang là có thể giao từ tháng 12 cho các hợp đồng đã ký từ tháng 10 nhưng mức giá vốn vào đến TP.HCM đã lên đến trên 20 triệu đồng/tấn.
Với những nhận định về thị trường phân bón như trên, Vinacam cho rằng, ngoại trừ DAP và Kali miểng có thể mua trước cho kế hoạch sản xuất thì các loại nguyên liệu khác chỉ nên mua cầm chừng theo phương án sản xuất đến đâu mua đến đó.
Một số chuyên gia ngành phân bón nhận định, việc Nga và Trung Quốc, hai nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới đều đã đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu, không chỉ tác động lớn tới thị trường phân bón thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng trong những tháng cuối năm nay, mà còn trong nửa đầu năm 2022.
Ngoài 2 nước nói trên, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những quốc gia sản xuất phân bón chủ lực ở châu Âu, cũng đã ngưng xuất khẩu nhiều lô hàng phân bón. Việc hàng loạt quốc gia xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới đồng loạt hạn chế xuất khẩu có thể khiến cho giá phân bón trên thế giới sẽ còn tiếp tục ở mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2022, qua đó tác động không nhỏ tới giá phân bón ở Việt Nam.
Theo Agromonitor, thị trường phân MOP ở Đông Nam Á đã ghi nhập mức giá kỷ lục 700 USD/tấn (giá CFR - bao gồm tiền hàng và cước phí) trong bối cảnh nguồn cung đang ngày càng khan hiếm. Trong khi đó, giá Urea đầu tháng 12 có xu hướng đảo chiều theo hướng giảm xuống tại một số thị trường.