Giúp giảm 20-30% lượng đạm bón
Theo thống kê, năm 2019, nước ta có hơn 14,7 triệu ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng cây lương thực là 8,462 triệu ha, cây công nghiệp là 2,7 triệu ha và 1,067 triệu ha trồng cây ăn quả. Ước tính hàng năm, cả nước sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón các loại, trong đó cơ cấu sử dụng phân đạm rất cao (2,2 triệu tấn phân urea, chưa kể lượng phân đạm lớn chứa trong phân DAP và NPK các loại).
Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng phân đạm (N) rất thấp chỉ khoảng 45-50%, còn 50-55% lượng đạm tương đương 1,8 triệu tấn phân Urea hay khoảng 606 triệu USD (tính theo giá nhập khẩu) được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng. Ngoài nguyên nhân do xói mòn, rửa trôi đã làm mất đi một lượng N đáng kể, phần lớn phân đạm bị mất dưới dạng NH3 và các oxyt nitơ, trong đó có N2O một loại khí nhà kính nguy hiểm là nguyên nhân gây hiện tượng trái đất nóng lên.
Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới rất quan tâm về các giải pháp giúp giảm thất thoát đạm và nâng cao hiệu quả sử dụng phân đạm. Trong số các nghiên cứu giúp giảm thất thoát đạm như bọc Urea bởi formaldehyt, lưu huỳnh… một trong những công nghệ tiên tiến nhất đó là chất kìm hãm phản ứng thủy phân Urea do men Urease gây ra. Gần đây, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với các nhà khoa học của tập đoàn Koch (Mỹ) ứng dụng rộng rãi sản phẩm Urea bọc Agrotain có tên thương mại là Urea 46A+ (Golden-N®) hay đạm vàng Đầu trâu 46A+, có thể giảm từ 20%-30% lượng đạm bón.
Vậy, Agrotain là gì? Agrotain là tên thương mại của hoạt chất N (n-Butyl) thiophosphoric triamide (NBPT), có tác dụng ức chế hoạt tính của men Urease trong thời gian tới 14 ngày, do vậy hạn chế quá trình chuyển hóa đạm từ phân Urê thành Amoniac sau khi bón.
Kết quả khảo nghiệm đều cho thấy là chỉ bổ sung vào phân bón một lượng Agrotain rất nhỏ nhưng đã có tác dụng không những làm tăng năng suất của cây trồng mà còn góp phần tiết kiệm một lượng N rất đáng kể. Khi Urê được bón vào đất, men Urease phá vỡ phân tử Urê thành hai phân tử Ammoniac qua quá trình thủy phân. Quá trình này xảy ra trong thời gian vài ngày kể từ khi bón. Các kết quả nghiên cứu trên lúa cho thấy: không xử lý Agrotain, lượng đạm bị mất khoảng 57% trong vòng 15 ngày sau khi bón, khi có xử lý vói Agrotain thì lượng N bị bay hơi chỉ có 19%, còn trên 38%N dễ tiêu cho lúa sử dụng.
Giảm phát thải CO2, N2O
Kết quả nghiên cứu của 8 thí nghiệm trên cây ngô và 8 thí nghiệm trên cây lúa được thực hiện taị các tỉnh của Trung Quốc năm 2017-2018 cho thấy, khi sử dụng Ure có phối trộn Agrotain (0,2%) làm tăng năng suất ngô 9%, và lúa tăng 7%; khi thiết kế giảm tỷ lệ bón Ure, trong 2/8 thí nghiệm sử dụng 90%N (giảm 10%N) và 6/8 thí nghiệm sử dụng 80%N (giảm 20%N) đều cho năng suất tương đương hoặc cao hơn so với đối chứng bón 100% N (không xử lý Agrotain).
Ở Việt Nam, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của Đầu trâu 46A+ đến phát thải khí nhà kính trên ruộng lúa tại tỉnh Nam Định trong vụ mùa 2014 và vụ Xuân 2015. Kết quả cho thấy, khi bón Đầu trâu 46A+với lượng tương đương 75% so đối chứng không làm giảm năng suất lúa và có thể giảm được 1,4-31,4% CH4 và 6,2- 42,7% lượng phát thải N2O trong phạm vi thí nghiệm.
Tại hội thi quốc tế về công nghệ sản xuất lúa có tên là “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agresults” do tổ chức quốc tế Hà Lan tổ chức tại tỉnh Thái Bình, phương án sử dụng phân bón Đầu Trâu TE lúa 1 và Đầu Trâu TE lúa 2 có sử dụng Agrotain bọc vào ure bón cho lúa BC15 trong vụ mùa 2019 đã giúp giảm lượng CO2 là 1,1102 tấn/ha (giảm11,66%) so với đối chứng tập quán của nông dân.