Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi tới giữa tháng 12, trị giá xuất khẩu hạt điều đã đạt 3,5 tỷ USD. Nửa đầu tháng 12, xuất khẩu hạt điều mang về 150 triệu USD, thì trong nửa tháng còn lại, ngành điều hoàn toàn có thể đạt giá trị xuất khẩu từ hơn 100 triệu USD trở lên, qua đó, đưa xuất khẩu cả năm lần đầu vượt mốc 3,6 tỷ USD, đồng thời cũng vượt luôn cả kim ngạch xuất hạt điều đạt được vào năm 2017 là 3,514 tỷ USD.
Ngoài nhu cầu tăng trên thị trường thế giới, sự phục hồi nhẹ về giá xuất khẩu bình quân hạt điều kể từ giữa năm 2021 đến nay (so với năm 2020) cũng giúp ngành điều gia tăng giá trị xuất khẩu. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam tháng 11/2021 đạt 6.505 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 10/2021, nhưng tăng 6,0% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt 6.288 USD/tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Giữ ổn định vùng nguyên liệu
Đến thời điểm này, đã có thể khẳng định, xuất khẩu hạt điều trong năm 2021 đã có sự tăng trưởng ấn tượng cả về lượng lẫn giá trị, qua đó, giúp cho Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là nhà xuất khẩu điều số 1 thế giới suốt từ năm 2006 đến nay.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhập khẩu điều thô trong năm 2021 lại tăng mạnh một cách rất bất thường cả về lượng lẫn giá trị. Điều đó cho thấy, tuy sản lượng điều thô trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 1/5 năng lực chế biến của ngành điều, nhưng việc duy trì, ổn định sản xuất điều trong nước vẫn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp cho ngành điều chủ động được phần nào nguồn điều nguyên liệu có chất lượng tốt.
Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Xúc tiến thương mại VINACAS cho biết, do quỹ đất của Việt Nam còn hạn chế và cây điều phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực khác như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả…, nên chiến lược của ngành điều Việt Nam là duy trì diện tích hiện có và gia tăng năng suất và chất lượng hạt điều bằng các tiến bộ kỹ thuật.
Được sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, ngành điều đang không ngừng nghiên cứu cải tiến phương pháp canh tác; tuyển chọn những giống điều tốt cho sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu chế biến và xuất khẩu và cải tạo, tái canh những diện tích điều già cỗi một cách phù hợp. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chế biến với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ đảm bảo chất lượng.
Ngành điều cũng đang hướng tới sản xuất hữu cơ và thực hành sản xuất tốt, các chương trình thực hành giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất điều thô...
Bên cạnh đó, ngành điều đã tăng cường hợp tác với các đối tác Campuchia để phát triển diện tích điều tại Campuchia, hướng tới sản lượng 1 triệu tấn điều thô theo kỳ vọng của Chính phủ Campuchia trong thời gian sớm nhất.
Về chế biến, trong giai đoạn tới, ngành điều tập trung vào chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu cũng như phát triển thị trường nội địa với 100 triệu dân của Việt Nam. Đây là thị trường rất tiềm năng, có thể hỗ trợ tiêu thụ 100% sản lượng điều sản xuất trong nước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cơ cấu xuất khẩu hạt điều của Việt Nam nhìn chung có sự biến động trong năm 2021. Ngoài việc tập trung xuất khẩu chủng loại hạt điều chính W320 và W240, ngành điều Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều có giá trị cao như hạt điều W180.
Hạt điều W180 là chủng loại hạt điều có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 tháng năm 2021, tăng 43,4% về lượng và tăng 56% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt xấp xỉ 15 nghìn tấn, trị giá 127 triệu USD.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực hạt điều W180, đạt 7,74 nghìn tấn, trị giá 61,21 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng 53,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; tiếp theo là thị trường Israel với lượng đạt 1,61 nghìn tấn, trị giá 15,3 triệu USD, tăng 65,5% về lượng và tăng 59,3% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều W180 đạt 8.515 USD/tấn trong 10 tháng năm 2021, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt điều W180 sang một số thị trường ở mức cao như: Canada đạt 13.666 USD/tấn; Tây Ban Nha đạt 11.463 USD/tấn; Hong Kong đạt 11.264 USD/tấn; Hy Lạp đạt 10.814 USD/tấn.