Để chuẩn bị tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm thủy sản lồng bè lòng hồ dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã và đang xây dựng kế hoạch và các phương án tiêu thụ trong điều kiện nguy cơ dịch bệnh Covid-19.
Bà Bạc Thị Mai, thành viên HTX Thủy sản Sơn Mai (xã Chiềng Ơn, Quỳnh Nhai) chia sẻ: Do dịch bệnh Covid-19, năm nay, HTX gặp rất là nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, HTX đã cố gắng duy trì hoạt động nuôi cá lồng bè lòng hồ, với các đối tượng như cá lăng đuôi đỏ, lăng chấm, lăng đen, lăng vàng và cá trắm đen. HTX cũng đã tự quảng bá, hàng tháng đưa các sản phẩm cá lồng tới các thương lái ở Hà Nội và được đánh giá rất cao về chất lượng.
Hiện nay, nghề nuôi cá lồng tại Quỳnh Nhai cũng đang gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn huyện, tỉnh chưa có cơ sở sản xuất cá giống đáp ứng nhu cầu người nuôi, hầu hết nhập từ nơi khác về nên chi phí cao. Nguồn thức ăn chủ yếu sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương nên năng suất thấp. Ðặc biệt, thời gian gần đây, do dịch Covid-19 kéo dài, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá bán hạ, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ chăn nuôi.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19, UBND xã Chiềng Ơn đang tích cực vận động, định hướng người dân duy trì, chăm sóc tốt số lượng cá hiện có, kịp thời gối vụ nuôi các loại cá có giá trị kinh tế để tiêu thụ dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Huyện cũng đã và đang chủ động xây dựng kịch bản đặt ra về thị trường tiêu thụ thủy sản trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 như xây dựng và dự trù số lượng cá thương phẩm xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh; tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online và tiêu thụ qua kênh các doanh nghiệp, cơ sở chế biến ở các thành phố lớn.
Theo ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, năm 2021, huyện đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi sản xuất, lưu thông tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, nhất là dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn các HTX điều chỉnh kế hoạch sản xuất thủy sản phù hợp với việc ứng biến tình hình dịch Covid-19 giúp các HTX và bà con yên tâm sản xuất.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các HTX, hộ kinh doanh áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng...
Thời gian tới, huyện Quỳnh Nhai sẽ tăng cường tập huấn kỹ thuật nuôi cá ao và kỹ thuật nuôi cá lồng lòng hồ cho bà con nhằm chuyển sang hướng nuôi thâm canh cao.
Bên cạnh đó, tổ chức thành lập các tổ công tác xuyên suốt từ huyện xuống xã về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La. Ðồng thời, thực hiện quản lý việc sử dụng con giống có chất lượng tốt, đặc biệt con giống phù hợp nuôi lồng như cá trắm, lăng, tầm, chép, rô phi...
Cùng với đó, sẽ mở rộng nuôi một số loài có giá trị kinh tế cao như cá lăng chấm, chiên, nuôi trai lấy ngọc. Trong đó, tập trung nuôi tại các xã Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Nặm Ét, Mường Giàng trên cơ sở chủ động con giống tại địa phương bằng cách ương giống tại các ao ở các xã Chiềng Khoang, Mường Giàng.
Huyện Quỳnh Nhai đang đặc biệt chú trọng có phương án nâng cấp và khai thác có hiệu quả các cơ sở hạ tầng như các bến cá tại các xã Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Chiềng Bằng nhằm đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã chế biến cá từ các sản phẩm cá khai thác cá nuôi lồng; tập trung quản lý và phát triển thương hiệu "cá sông Ðà Sơn La"; tiếp tục đánh giá các cơ sở nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị cá nuôi lồng, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm cá nuôi để phục vụ nhu cầu thị trường, bảo đảm thu nhập ổn định và phát triển bền vững.