Ngày 24/4/2018, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Liên minh Nông nghiệp và Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2018 với chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam".
Tại diễn đàn, các chuyên gia thảo luận xung quanh vấn đề về ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chuỗi cung ứng nông nghiệp, làm thế nào để nông nghiệp 4.0 phát triển hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đem lại lợi ích nhiều nhất cho người nông dân và doanh nghiệp (DN).
Đến nay cả nước có khoảng 700 chuỗi giá trị nông sản an toàn, nhưng chỉ 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Các chuỗi nông sản hoạt động thấp là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khó khăn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là chưa tìm kiếm được DN đầu tàu đồng hành cùng nông dân.
Ngoài ra, nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất, xây dựng kế hoạch, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp còn hạn chế.
Nhiều ý kiến cho rằng, để chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho DN về vốn với lãi suất thấp để thu mua sản phẩm cho người dân với giá ổn định; cải cách các hiệp hội ngành hàng để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết giữa DN với hợp tác xã, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác công tư, đầu tư cơ sở hạ tầng với các DN nước ngoài để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, quy hoạch vùng sản xuất nông sản quy mô lớn theo hướng tập trung, hiện đại để DN có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu…
Tại diễn đàn, các đại biểu đều cho rằng, để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm nông nghiệp, DN cần phải quan tâm tới vấn đề minh bạch thông tin. Do người tiêu dùng chưa hiểu rõ sản phẩm, biết rõ nguồn gốc nên mới dẫn đến thực trạng sản phẩm tốt vẫn không thể tiêu thụ được. Khi các nhà sản xuất hợp tác với nhau và mọi thông tin về sản phẩm được minh bạch, lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm sẽ tăng lên..
Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lina Network khẳng định, các khách hàng cũng cần thử nghiệm công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc. Công nghệ blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp; giải quyết được triệt để bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VERP nhận định, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn chập chững trong việc áp dụng công nghệ để tăng cường minh bạch thông tin.
Cũng theo ông Thành, khi truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì người sản xuất sản phẩm tốt mới tồn tại được và phần lợi ích mà người Việt Nam được hưởng sẽ cao hơn.