July 27, 2018
Làm phân hữu cơ lợi hàng trăm tỷ đồng
Vào vụ mùa, giá các loại phân bón đều rủ nhau tăng khiến nhiều nông dân lo lắng chi phí đầu vào sẽ tăng cao. Một số nông dân trong tỉnh đã tận dụng phế phẩm nông nghiệp ủ phân hữu cơ, giảm được gần một nửa tiền mua phân bón.
Nông dân tham quan mô hình ủ phân hữu cơ từ thân bắp của hộ ông Huế, ấp Tân Thịnh, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom). Ảnh: H. GIANG
Theo tính toán của nông dân, giá phân bón vụ mùa 2011 cho lúa, bắp khoảng 10 triệu đồng/hécta, rau 20-30 triệu đồng/hécta, đậu 5-6 triệu đồng/hécta. Diện tích cây hàng năm gần 63 ngàn hécta nên số tiền nông dân trong tỉnh phải bỏ ra mua phân bón lên đến gần ngàn tỷ đồng. Song nếu nông dân tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây đậu, thân cây bắp, lõi và vỏ trái bắp… ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng sẽ tiết kiệm khá nhiều chi phí mua phân bón.
* Chi phí đầu vào giảm
Hiện nay, đa số các phế phẩm từ nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây bắp, lõi và vỏ trái bắp, thân cây đậu, vỏ trái cà phê… đều bị nông dân đốt bỏ. Theo các nhà khoa học, các phế phẩm nông nghiệp nếu biết tận dụng làm phân hữu cơ sẽ giúp nông dân giảm được chi phí đầu vào. Đồng thời, đất được bón nhiều phân hữu cơ sẽ màu mỡ, góp phần tăng năng suất cây trồng và giúp sản xuất nông nghiệp bền vững. Thực tế, ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp không mất nhiều công nên nông dân có thể tận dụng thời điểm nông nhàn để làm.
Ông Nguyễn Công Huế, ấp Tân Thịnh, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) cho hay: “Gia đình tôi mỗi vụ trồng hơn 1 hécta lúa, bắp. Khi thu hoạch xong, rơm rạ, thân bắp, lõi và vỏ trái bắp đều đốt bỏ. Vừa qua, sau khi thu hoạch bắp vụ hè-thu, theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện tôi tận dụng thân bắp dùng chế phẩm sinh học UPC ủ phân hữu cơ. Với gần 5.000m2 trồng bắp, tôi thu được 5 tấn cây bắp đem ủ. Tổng cộng chi phí công, thuốc, phân để ủ hết hơn 4 triệu đồng, song thu được 5 tấn phân hữu cơ trị giá 10 triệu đồng, tính ra tôi vẫn lời gần 6 triệu đồng so với bỏ tiền ra mua phân bón”.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Hùng ở ấp Tân Hưng, xã Đồi 61 kể: “Thấy ông Huế ủ thân cây bắp làm phân hữu cơ giảm nhiều chi phí đầu vào, tôi cũng tận dụng lõi và vỏ trái bắp đem ủ phân. Kết quả chỉ sau hơn một tháng, lõi và vỏ trái bắp đã hoai mục có thể đem bón cho bắp vụ mùa giảm được một nửa tiền phân bón. Nghĩ lại thấy tiếc, từ trước tới nay những phế phẩm này tôi toàn đốt bỏ”.
Theo ông Nguyễn Viết Thê, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Trảng Bom, trong các phế phẩm từ nông nghiệp thì thân bắp, lõi và vỏ trái bắp ủ phân hữu cơ cho hàm lượng đạm, lân, kali khá cao rất tốt cho cây trồng. Cây trồng thường xuyên được bón phân hữu cơ, giảm phân hóa học sẽ cho năng suất cao, ổn định, ít sâu bệnh và hạ giá thành của nông sản.
* Tiết kiệm tiền tỷ
Được biết, mỗi hécta bắp sau khi thu hoạch xong sẽ có trên 25 tấn cây, vỏ trái bắp. Đồng Nai sản xuất khoảng gần 54 ngàn hécta bắp/năm, như vậy chỉ riêng cây bắp mỗi năm nông dân trong tỉnh đốt bỏ trên 1 triệu tấn phế phẩm nông nghiệp. Nếu tận dụng nguồn phế phẩm này ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, mỗi năm nông dân của tỉnh sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng tiền mua phân bón hóa học.
Ông Phan Văn Hồng, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, cho biết: “Thời gian gần đây, giá tất cả các vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đều tăng cao. Một trong các giải pháp giảm chi phí đầu vào là nông dân tận dụng phế phẩm từ nông nghiệp để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Biện pháp trên mang lại nhiều cái lợi cùng lúc như chi phí đầu tư giảm, đất đai thêm màu mỡ, năng suất chất lượng nông sản được nâng lên và môi trường đảm bảo”.
Nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm ngày càng đảm bảo vệ sinh, vì thế nông nghiệp trong nước đang hướng đến sản xuất sạch là làm theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt). Trong quy trình GAP, đòi hỏi nông dân sử dụng nhiều phân hữu cơ, giảm phân hóa học để đảm bảo môi trường, tránh các chất tồn dư gây hại trong nông sản. Như vậy, tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ bón cho cây trồng ngoài tiết kiệm tiền tỷ, nông dân còn đang thực hiện một trong những quy trình sản xuất sạch.
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016