Thế tại sao hàng Việt Nam lại khó vào Nhật? Hiện nay một số hàng hóa nông, thủy hải sản của Việt Nam đã xâm nhập được vào thị trường Nhật như một số loại tôm, cá, 4 loại quả là chuối, xoài, thanh long (ruột trắng và ruột đỏ), vải, sau quá trình đàm phán xử lý kỹ thuật các vấn đề về sâu, bệnh gây hại… Một số loại quả khác được nhập khẩu tư do không qua đàm phán như sầu riêng, một số loại rau mùi, rau thơm…
Xoài, vải, nhãn, bưởi, chuối… của Việt Nam thì không có nước nào có thể sánh được. Đồng bằng song Cửu Long màu mỡ là vựa lúa, vựa cá tôm ngon và rẻ vào loại bậc nhất trong các nước xuất khẩu thủy sản. Giá nhân công của Việt Nam còn tương đối rẻ, do vậy, giá thành sản xuất hàng hóa nông sản của Việt Nam còn tương đối thấp trong so sánh với các nước khác sản xuất cùng một loại hàng hóa.
Thông qua quá trình đàm phán các loại quả vừa qua có thể nhận thấy, hoa quả Việt Nam vào Nhật khó, nhưng không phải rất khó và hoàn toàn khả thi khi người sản xuất đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của bạn. Để hướng tới mục tiêu đưa một mặt hàng nào đó vào Nhật, cần lưu ý những điểm sau:
Mẫu mã phải đều và đẹp. Việc này liên quan tới quy trình sản xuất và lựa chọn giống cũng như chăm sóc cây, quả… Nhật Bản duy trì nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ nghìn năm nay. Với bản chất ưu việt không tự mãn với những gì có sẵn, người nông dân Nhật Bản đã mày mò lai tạo ra nhiều loại giống khác nhau, tạo nên những mặt hàng nông sản chất lượng cao, nhưng không bao giờ thỏa mãn.
Hệ thống hợp tác xã (Hiệp hội - Association là một nét đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp Nhật Bản, khi các hộ nông dân cá thể nhỏ lẻ tập hợp trong một tổ chức lớn và điều hành như một tập đoàn lớn). Sản xuất nông nghiệp của Nhật lại được hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học nông nghiệp để tạo ra những loại giống mới, tiên tiến về chất lượng, chủng loại và sức đề kháng cao với sâu bệnh.
Việc sử dụng hóa chất để chăm bón và diệt sâu bọ cũng cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật của Nhật. Đây là hệ thống phức tạp do nhiều cơ quan của Nhật quy định. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ tư vấn của các cơ quan nghiên cứu hệ thống pháp lý chuyên sâu.
Quy trình bảo quản và chế biến sau thu hoạch có vai trò quan trọng để bảo đảm chất lượng hàng hóa của ta giữ được chất lượng và mẫu mã đẹp từ thu hoạch, vận chuyển, lưu kho và trưng bày cho người mua.
Để đáp ứng đủ cả 3 tiêu chuẩn như trên, người sản xuất Việt Nam cần nghiên cứu sâu sắc những yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Các nhà phân phối trung gian cũng cần đầu tư hệ thống bảo quản và chế biến cho phù hợp với yêu cầu của người mua ở Nhật.
Và điều quan trọng là hệ thống các nhà phân phối có vai trò quan trọng để vận chuyển hàng hóa kịp thời tới người mua một cách nhanh chất, đúng địa điểm, phù hợp khẩu vị người mua. Việc tuân thủ toàn bộ các tiêu chuẩn theo các quy trình như trên phải được thực hiện nghiêm ngặt và luôn luôn phải hoàn thiện. Lòng tin của các cơ quan kiểm dịch và người tiêu dùng sẽ đánh mất nhanh chóng nếu chỉ một lô hàng nhỏ vi phạm dư thừa hóa chất cấm hoặc chưa diệt hết các loại sâu, bọ, vi trùng, nấm bệnh gây hại…
Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật khó như vậy, nhưng chúng ta không nên bi quan. Cần phải nắm chắc yêu cầu kỹ thuật, thực hiện nghiêm ngặt như một trách nhiệm bắt buộc của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, chúng ta sẽ thành công.
Chìa khóa thành công nằm trong tay của nhà sản xuất. Không tự ti để thấy hàng hóa của chúng ta là ngon và chất lượng, từ đó mạnh dạn nghiên cứu thị trường, yêu cầu kỹ thuật của thị trường và thiết lập hệ thống phân phối hiệu quả. Chúng ta tự tin vào sản phẩm của ta nhưng không được tự mãn.
Việc nghiên cứu thị trường, sở thích của người tiêu dùng là việc cần làm thường xuyên và liên tục để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã cũng như tìm các loại giống mới để đa dạng sản phẩm. Khi lòng tin của người mua đã được thiết lập, người sản xuất sẽ yên tâm để mở rộng và hoàn thiện sản xuất. Đó là chìa khóa cho nông sản, thủy hải sản Việt Nam vững bước đi vào thị trường Nhật Bản.