Về vườn để hiểu nông sản, nông dân
Xuất phát là những nhân viên trong ngành bưu điện, thương mại điện tử nên để hiểu hơn về nông dân, nông sản các chuyên gia đào tạo của Vietnam Post phải tự mình thu nạp kiến thức và cách thu nạp hiệu quả nhất là về với dân.
Ví dụ, với sản phẩm na của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), địa điểm canh tác đa phần trên các sườn núi đá rất khó tiếp cận, chưa kể lại là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên công cuộc đưa na lên sàn rất gian nan.
“Khi tổ chức tập huấn, ban đầu bà con rất ít tham gia, phần vì chưa tin tưởng, phần vì đi lại khó khăn, bận mùa vụ. Chúng tôi phải chuyển sang tổ chức buổi tối hoặc đi đến từng nhà để trao đổi với bà con, rải người đi làm ròng rã nhiều tháng thì bây giờ các nông sản của Lạng Sơn đã dẫn đầu trên cả nước về số lượng gian hàng, số lượng sản phẩm lên sàn và lượng tiêu thụ trên Postmart.vn”, anh Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm khi buôn bán trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là nông sản, thực phẩm tươi sống thì mỗi loại lại cần có cách thu hoạch, đóng gói riêng.
Năm 2021 vừa qua, vải thiều, nhãn lồng là các nông sản được tiêu thụ mạnh trên Postmart.vn và để làm tốt thương mại điện tử cho 2 loại quả này, các nhân viên của Vietnam Post phải dành hàng tháng đến vườn tìm hiểu trước khi vào vụ chính.
Trong khi vải thiều có tính nóng, thu hoạch xong phải đóng thùng xốp lạnh vận chuyển bằng xe lạnh thì nhãn lồng lại kỵ nước, thu hoạch cần lót bạt, hong khô và có thể vận chuyển bằng xe thường.
Đây có thể là những điều rất đơn giản với người nông dân nhưng các chuyên gia về thương mại điện tử của Vietnam Post lại phải mất 2-3 tuần tìm hiểu, làm quen mới có thể nắm rõ để vận hành Postmart.vn hiệu quả trong vụ vải, nhãn năm 2021 vừa qua.
“Với mỗi nông sản, mỗi vụ mùa, mỗi địa phương chúng tôi đều phải cho chuyên gia về “nằm vùng” tìm hiểu, học hỏi từ bà con nông dân rồi mới lên kế hoạch chi tiết để triển khai bán hàng”, đại diện thuộc Ban Nghiên cứu phát triển thương hiệu chia sẻ.
Tính đến đầu tháng 12/2021, sau hơn 4 tháng triển khai kế hoạch 1034 của Bộ TT-TT, Vietnam Post đã hỗ trợ đưa 2,5 triệu hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, hỗ trợ tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản.
Vietnam Post cũng mở các lớp tập huấn trực tiếp và online, hướng dẫn người nông dân, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh làm quen với cách thức kinh doanh trên sàn. Tính đến nay Vietnam Post đã trực tiếp đào tạo cho người nông dân tại các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên...
Vietnam Post định hướng phát triển Postmart.vn trở thành nền tảng thương mại điện tử của người Việt – cho người Việt uy tín nhất Việt Nam, đồng thời là cầu nối giữa nhà cung cấp, cửa hàng, doanh nghiệp với khách hàng nhằm tối đa hóa lợi ích cho cả người bán và người mua.
Đơn vị xác định mũi nhọn phát triển của Postmart.vn là chuyên cung cấp các sản phẩm nông sản Việt cũng như đặc sản vùng miền theo các tiêu chí “An toàn - Chất lượng - Tiện lợi”.
Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Vietnam Post là phát triển các “cửa hàng số” cho hộ gia đình trên không gian mạng nói chung và sàn Postmart.vn nói riêng. Thông qua những cửa hàng này có thể tìm kiếm khách hàng, kết nối người bán và người mua; dựa trên hệ thống định vị địa chỉ số để xác định nguồn gốc sản phẩm, phát triển tài khoản thanh toán điện tử qua đó hình thành hệ sinh thái số gồm website bán hàng, ứng dụng bán hàng trên smartphone, cổng truy xuất nguồn gốc bảo hộ thương hiệu…
Trong tương lai, sàn Postmart.vn sẽ không chỉ giúp cho các nhà cung cấp, hộ sản xuất nông nghiệp tạo dựng được thương hiệu riêng để nâng cao giá trị hàng hóa mà còn là bước đột phá giúp 23 triệu hộ gia đình tiếp cận gần hơn với công nghệ số, qua đó trở thành nền tảng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của người dân, thúc đẩy quá trình số hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng công dân số, quốc gia số.