Còn tại tỉnh Long An, theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết: Từ đây đến Tết Nguyên đán, tỉnh Long An còn khoảng 2.000ha thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Với tình hình này, hiện nay, tiêu thụ trong nước chỉ góp phần giải quyết một phần trái cây. Hiện chúng tôi cũng tìm nhiều giải pháp nhưng căn bản vẫn kiến nghị với các Bộ ngành, Chính phủ hỗ trợ đàm phán thông quan sớm để giúp trái cây sớm được tiêu thụ ổn định trở lại.
Nói thêm về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ trái thanh long sang thị trường các nước khác, ông Trịnh cho rằng, hiện chi phí sản xuất theo các tiêu chuẩn đi thị trường như EU, Nhật, Mỹ… khá cao. Với giá bán 20.000 đồng/kg nông dân cũng khó lòng có lãi. Do đó, trước nay, nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn Trung Quốc nên hiện phụ thuộc lớn vào thị trường này, khó lòng xuất khẩu thanh long ùn ứ sang thị trường khác được.
Với tình hình hiện nay, lãnh đạo Sở Công thương Tiền Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) vào các thị trường có tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
“Phải đổi mới và thích ứng để ngành hàng trái cây Tiền Giang phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới. Đó là yêu cầu bức thiết trước mắt vừa cũng mang tính chiến lược lâu dài”, ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.
Đẩy mạnh sản xuất sạch, mở rộng thị trường
Để tránh câu chuyện ùn ứ ngay cửa khẩu do phía Trung Quốc chậm nhập khẩu nông sản hay tạm ngưng bế quan đã là “điệp khúc” tái diễn thường xuyên. Theo các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây thì vấn đề nâng cao chất lượng đi đôi với sản lượng phải được quan tâm để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”, không thể tập trung xuất sang thị trường một quốc gia nào. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động chế trái cây xuất khẩu, giảm tải xuất khẩu trái cây tươi. Để làm được điều này, khâu liên kết giữa nhà vườn nhà doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp tục duy trì và nhân rộng trong sản xuất nông sản hàng hóa.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty Công ty TNHH chế biến Nông sản Cát Tường tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: Doanh nghiệp có nhiều đối tác ở các thị trường khó tính cần trái thanh long nhưng phải đủ sản lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn “sạch”. Trong khi đó, trái thanh long ở Tiền Giang và khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng điều kiện này, ông Đoàn Văn Sang chia sẻ:
“Không phải doanh nghiệp mình không xuất mà vì không có sản lượng, chất lượng trái thanh long để đi. Bây giờ làm sao phải có quy trình cho doanh nghiệp và hợp tác xã phải đồng lòng với nhau mà trước mắt vùng trồng của mình phải có mã Code và làm theo quy trình. Làm theo quy trình thì có 2 hướng: Một là nhà vườn tự làm quy trình sạch. Thứ hai là kết hợp với doanh nghiệp hay hợp tác xã nào đó để định hướng thị trường làm theo quy trình thị trường đó”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có trên 82.700 ha vườn trồng cây ăn trái, trong đó có gần 63.000 ha đang cho trái. Năm 2021, toàn tỉnh đạt sản lượng gần 1,6 triệu tấn trái cây các loại phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng hơn 4,2% so với năm trước. Riêng sản lượng thu hoạch trong tháng 12/2021 khoảng 121 nghìn tấn trái cây các loại. Từ thời điểm này trở đi, sản lượng nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh như: Sầu riêng, xoài, khóm, mít,… sẽ tăng mạnh do đang vào mùa thu hoạch rộ.