Trong vòng 10 năm trở lại đây, Cty Giống cây trồng Quảng Bình đã trực tiếp nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu để chọn tạo và đưa vào sản xuất trên 10 giống lúa, lạc mới. “Đơn vị đang tiếp tục thực hiện khảo nghiệm, thử nghiệm các giống PN99, KH336, QS447, TD25… Kết quả bước đầu cho thấy năng suất trung bình vụ đông xuân đạt từ 70 - 85 tạ/ha và vụ hè thu đạt từ 60 - 65 tạ/ha. Đây là những giống đầy triển vọng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay của nông dân, đồng thời phù hợp với định hướng cơ cấu giống lúa chung của tỉnh trong các năm tới” - ông Kỳ nói.
Trong năm 2018 và năm 2019, giống lúa lai 3 dòng KH336 được Cty tổ chức thực hiện khảo nghiệm sản xuất tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… Kết quả, năng suất thực thu trong sản xuất vụ xuân trung bình đạt từ 85 - 90 tạ/ha.
Nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình cũng đã làm khảo nghiệm sản xuất và mô hình thử nghiệm giống lúa KH336, kết quả đánh giá năng suất lúa tại các điểm đạt trên 85 tạ/ha. Điển hình trong 2 vụ đông xuân 2018 - 2019 và 2019 - 2020, tại một số HTX như Thạch Bàn Hạ (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy), HTX Châu Xá và HTX Lê Xá (xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy), HTX Vạn Phúc (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) cho năng suất đạt đến 100 tạ/ha.
Doanh nghiệp và nông dân cùng... chờ
Hiện, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống lúa đang phải đợi quyết định lưu hành cho những sản phẩm của mình để đưa ra phục vụ nông dân.
Theo tiến sỹ Nguyễn Xuân Kỳ, các giống lúa do Công ty chọn tạo qua khảo nghiệm và mô hình thử nghiệm rất có hiệu quả như QC03, PN99, KH336, QS447... đã đủ chuẩn để được cấp “giấy phép” từ cơ quan quản lý. Tuy nhiên, do Cục Trồng trọt đang triển khai thực hiện chuyển đổi một số quy định mới trong công tác quản lý giống cây trồng theo Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2020 thay thế Pháp lệnh Giống cây trồng trước đây. “Chúng tôi phải đợi hướng dẫn thực hiện nên hồ sơ, thủ tục trình cơ quan quản lý vẫn chưa được xử lý cấp phép lưu hành các loại giống mới. Vì vậy, không thể cung ứng cho nông dân, mặc dù hiện tại nông dân đang có nhu cầu rất lớn và cấp thiết” - ông Kỳ chia sẻ.
Tại Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên - Huế cũng đang vướng mắc tương tự. Theo ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Công ty thì mỗi năm, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 6 ngàn tấn giống lúa. Hiện, đơn vị có 2 giống lúa là HG244 và HG212 đã đủ điều kiện xin cấp “giấy phép” nhưng phải đợi từ đầu năm 2020 đến nay. “Nông dân thì đang đợi chúng tôi. Còn chúng tôi thì phải đợi thủ tục và thời gian đợi chưa thể rõ được“ - ông Chung nói thêm.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI cũng cho biết, trước khi Luật Trồng trọt ban hành, các giống ngô công nhận sản xuất thử không cần có khảo nghiệm có kiểm soát. Khi Luật ban hành, chưa có văn bản hướng dẫn về khảo nghiệm có kiểm soát. Khi TCVN mới ban hành về hướng dẫn khảo nghiệm có kiểm soát, nhưng chưa ban hành danh sách các đơn vị được chỉ định khảo nghiệm. Chính vì vậy, các giống ngô đã được công nhận sản xuất thử từ đầu năm 2020 đến nay vẫn chưa được cấp quyết định lưu hành.
“Đối với những giống lúa, ngô đã hoàn thành khảo nghiệm VCU trước năm 2021, nhưng đến thời điểm TCVN ban hành, các giống này chưa được công nhận sản xuất thử thì áp dụng thủ tục công nhận lưu hành giống như thế nào” - ông Tình băn khoăn nói thêm.
Vụ đông xuân 2021-2022 đã cận kề, ông Phan Văn Lê, Giám đốc HTX Thạch Bàn Hạ cũng rất mong muốn để có được giống năng suất, chất lượng cao như KH336 để đưa về phục vụ bà con nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Tuy nhiên, ông cũng thở dài cho hay: “Nghe bên Công ty Giống Quảng Bình bảo chưa thể đưa giống này về cho bà con trong vụ tới”.
Trao đổi với NNVN, tiến sỹ Nguyễn Xuân Kỳ cho hay, các giống lúa QC03, PN99, KH336 đều đã được thực hiện đủ khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất 3 vụ (theo quy định) và thực mô hình thử nghiệm từ cuối năm 2019 tại các vùng sinh thái khác nhau của các tỉnh Duyên hải miền Trung, miền Bắc. Hiện đơn vị này cũng đang đợi cấp quyết định lưu hành các giống trên để sản xuất và cung ứng rộng rãi, phục vụ cho nông dân, để có những vụ mùa bội thu.