Tổng Công ty Sông Gianh phối hợp với Công ty Đầu tư thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI (Công ty ADI - Hà Nội) và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (HTX Thống Nhất), xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vừa tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá chuỗi liên kết sản xuất giống lúa Hana số 7 vụ hè thu 2022.
Hana số 7 là giống lúa thuần chất lượng cao đã được triển khai làm mô hình liên kết thử nghiệm tại Thị xã Ba Đồn và huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong vụ đông xuân 2021 - 2022 với tổng diện tích gần 50ha. Tại các mô hình, năng suất lúa đều đạt cao và được Tổng Công ty Sông Gianh liên kết thu mua cho bà con.
Vụ hè thu năm nay, Tổng Công ty Sông Gianh phối hợp với Công ty ADI triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống lúa Hana số 7 tại HTX Thống Nhất, xã An Ninh và xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) với quy mô trên 15ha.
Theo ông Hoàng Hải Đàn, Giám đốc HTX Thống Nhất, giống lúa Hana số 7 có nhiều ưu điểm như tỷ lệ nảy mầm cao, cây phát triển khỏe, đồng đều; thân cây cao, chống đổ ngã tốt, chưa thấy xuất hiện các loại sâu bệnh chính. Khi làm đòng cây phát triển khỏe mạnh, trỗ tập trung, ít sâu bệnh…
Giống lúa Hana số 7 có thời gian sinh trưởng vụ đông xuân từ 110 - 115 ngày, vụ hè thu 90 - 95 ngày, là giống phù hợp với cơ cấu thời vụ tại địa phương.
“Năng suất thực thu của lúa Hana số 7 dự kiến ước đạt 65 tạ/ha, rất được mùa đối với vụ hè thu. Hạt gạo giống này trong, vỏ trấu mỏng, tỷ lệ xay xát đạt khoảng 70% nên rất lợi gạo”, anh Đàn thông tin thêm.
Sau khi tham quan thực tế diện tích sản xuất giống lúa Hana số 7 tại HTX Thống Nhất, ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình cho biết, qua theo dõi về bộ giống lúa trên địa bàn cho thấy giống lúa thuần Hana số 7 là giống triển vọng, có thể đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh, phù hợp với cả 2 vụ đông xuân và hè thu.
Theo ông Cao Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Gianh, doanh nghiệp sẽ đảm bảo cung ứng cho bà con về giống, phân bón hữu cơ, hỗ trợ quy trình sản xuất cho bà con nông dân liên kết sản xuất. Mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cũng đã được hàng trăm hộ dân tham gia và có hiệu quả cao.
“Hiện nay, chúng tôi thu mua tại ruộng cho bà con với mức cao hơn một giá so với thị trường. Nhờ đó, hiệu quả của mô hình liên kết tăng từ 25 - 30% so với cách sản xuất trước đây của người dân. Trên cơ sở các đại biểu đều thống nhất đây là giống lúa có triển vọng, có thể đưa vào sản xuất trong những vụ tiếp theo tại địa phương, chúng tôi cam kết sẽ mở rộng mô hình liên kết với bà con trong các vụ tới”, ông Cao Ngọc Anh cho biết.
Trong vụ hè thu năm nay, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là giá phân bón tăng gần gấp đôi, giá dịch vụ làm đất, thu hoạch… cũng tăng theo giá xăng dầu nên nông dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Võ Doãn Tâm, nông dân ở xã An Ninh cho hay, nếu tính trên đầu sào (500m2) thì phân bón, thuốc BVTV, dịch vụ làm đất, gặt, vận chuyển… tăng thêm khoảng 1 triệu đồng. “Như vậy, mỗi ha nông dân chi phí thêm khoảng 20 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết thì nông dân chỉ có hòa đến lỗ khi làm lúa mà thôi”, ông Tâm bộc bạch.
Tham quan mô hình thực tế, nhiều cán bộ địa phương đã đánh giá cao giống lúa hana số 7 và chương trình liên kết sản xuất hướng hữu và bao tiêu sản phẩm. Bà Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) đề nghị doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ giống, phân bón, quy trình kỹ thuật để liên kết sản xuất với bà con.