June 7, 2022
Tình cờ thế nào khi chúng tôi đến lại được chứng kiến cảnh thả lươn không bùn vào những ô nuôi mới xây dựng của trang trại anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xã Xuân Nộn huyện Đông Anh (TP Hà Nội) dưới sự chỉ đạo về kỹ thuật từ chuyên gia Nguyễn Ngọc Thủy.
Anh Thủy vốn là chủ trại nuôi lươn sinh sản lớn thuộc hàng tốp đầu miền Bắc tại xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, (Thái Bình) với diện tích 10 mẫu, sản lượng giống cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 100 vạn. Sau hơn 1 tháng cấp giống cho anh Hùng nuôi úm, từ những con lươn nhỏ li ti như cái tăm, anh Thủy cho biết hiện nay chúng đã đủ lớn để sẵn sàng thả vào bể.
“Bản năng của lươn là sống trong bùn nhưng từ bé chúng đã được tập sống trong các giá thể bằng ni lông thay cho bùn rồi. Bể nuôi tốt nhất là phải lát gạch men xung quanh để tránh rêu bám, dễ vệ sinh, còn nếu đã trót láng xi măng thì phải lót một lớp sơn mịn để tránh làm cho lươn bị xây xước. Trước khi thả xuống bể, toàn bộ giá thể phải được xử lý cẩn thận, rồi pha thuốc điện giải ngâm lươn vào trong khoảng 30 phút để tăng sức khỏe, tránh sốc rồi mới được thả.
Điều đáng nói là 1 vạn con lươn sau 1 tháng nuôi ở trang trại anh Hùng chỉ thất thoát có 4 con, không phải vì bệnh, vì cách chăm sóc, mà là do sơ ý nhấc giá thể lên không khéo, lươn bị kẹt vào rồi rơi ra đất, không dám thả trở lại bể do sợ nhiễm bệnh. Tôi thấy là rất đạt, bởi tỷ lệ cho phép của nuôi lươn không bùn là 10% trong suốt quá trình nuôi”, anh Nguyễn Ngọc Thủy chia sẻ.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng cho chúng tôi hay, ngày mai sẽ nhập tiếp 2 vạn con lươn nữa để ươm, đợi khi chúng cứng cáp lại nhập tiếp đợt nữa: “Vì chưa có kinh nghiệm nên tôi phải học dần dần, không thể vội vàng được. Thú thực nghề chính của tôi là sản xuất cọc và ép cọc, hiện đang vận hành doanh nghiệp của cá nhân chuyên đi làm những công trình lớn nhỏ khắp nơi, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội ép cọc miền Bắc”, anh Hùng thú thực. Vậy lý do gì anh đầu tư vào nông nghiệp? Tôi hỏi.
Anh trả lời: “Vừa rồi do tình hình Covid-19 rất căng thẳng, cả xã hội bị phong tỏa, tất cả các công việc về thi công, xây dựng của cá nhân bị dừng lại hết, ngồi ở nhà tôi thấy buồn quá mới nghĩ ra mô hình này. Lúc đó, chẳng đi được đâu mà tôi chỉ điện thoại hỏi các trường dạy về nuôi trồng thủy sản. Sau này khi trạng thái bình thường mới, tôi đi khắp trong Nam ngoài Bắc để xem các mô hình nuôi trồng thủy sản rồi rút ra kinh nghiệm xây dựng trang trại.
Làm nông thế này không thể xác định ngày một ngày hai là thành công mà phải bền bỉ, xây dựng mô hình từ nhỏ rồi mở rộng dần tới lớn. Lúc đầu tôi thả nhiều loại thủy sản như cá rô, trê, chuối, lươn và sắp tới là cà cuống, tôm thẻ chân trắng, ốc nhưng hướng chính vẫn là con lươn bởi nó không phải ai cũng nuôi được, kỹ thuật khó, trị giá cao, nhu cầu tiêu thụ lớn”.
Anh Hùng cho biết thêm, muốn làm quy mô lớn phải có cỡ vài ha, mà là người đi sau, rất khó kiếm do quỹ đất của huyện Đông Anh còn rất ít nên mới tính đến chuyện nuôi lươn không bùn để có thể tận dụng tối đa sản lượng trên một đơn vị diện tích.
Hơn thế, cách làm này có cái hay là nước tuần hoàn, xử lý qua bộ lọc nên rất sạch, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay các hộ dân lân cận. Lươn lúc bé được cho ăn thức ăn công nghiệp chế biến sẵn, sau này lớn sẽ cho ăn giun quế tự nuôi xay lẫn với cá biển mua về trữ trong tủ cấp đông để giảm giá thành.
“Nghề nông này tôi tính 5 - 10 năm nữa khi mình về già sẽ chuyển thành nghề chính nên giờ sẵn sàng đầu tư nhưng lo nhất là không được cấp đất về lâu về dài. Hợp đồng với xã cứ ký theo năm một, không làm để không cũng chết, mà làm thì thực sự không yên tâm. Muốn đầu tư công nghệ cao thì phải nhiều tiền, mà đầu tư thời gian ngắn thì không ai dám cả”, anh Hùng bảo.
Đồng cảm với nỗi lo chung ấy, anh Lê Quang Đức, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh thông tin, chỉ trong năm nay, địa phương sẽ có hàng ngàn ha phải chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang mục đích khác.
Quỹ đất càng thu nhỏ thì việc phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ rất khó khăn, mà phải đi theo xu thế tất yếu là nông nghiệp đô thị. Đặc trưng của nó là sử dụng công nghệ cao, tạo ra hiệu quả lớn nhất trên một đơn vị canh tác nhỏ nhất nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường sinh thái bằng cách xử lý triệt để ô nhiễm, tạo ra cảnh quan xanh sạch.
Khuyến nông đô thị đã hình thành câu lạc bộ cách đây hơn 10 năm, nhưng phát triển vẫn còn chậm. Đông Anh hiện có hàng trăm trang trại, tuy nhiên chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ lợn, gà, một số ít là trồng rau, trong đó tỷ lệ áp dụng công nghệ cao cỡ 20 - 30%. Do nhà nước chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao nên phát triển chưa nhanh, chưa đồng bộ mà chủ yếu với tính chất thăm dò. Nông dân tự học hỏi kinh nghiệm từ các nơi khác rồi đưa kỹ thuật mới vào áp dụng thử.
Bất cập nhất là sự ổn định về quỹ đất bởi đa số các xã, hợp tác xã chỉ ký cho nông dân thuê đất 1 - 3 năm nên họ không thể yên tâm đầu tư. Có những doanh nhân thành đạt muốn trở về xây dựng nông nghiệp công nghệ cao nhưng vì vấn đề đất đai thời gian thuê quá ngắn cũng sợ chưa kịp thu hồi vốn thì chính sách đã thay đổi.
Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, còn phải có vốn lớn nên cần có chính sách hỗ trợ để người dân có thể đầu tư được đồng bộ ngay từ đầu, tránh tình trạng đầu tư kiểu chắp vá, tốn thời gian, kém hiệu quả.
Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng từ huyện thành quận đến năm 2025, lãnh đạo Đông Anh xác định việc phát triển nông nghiệp phải quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa, an toàn, sinh thái, hài hoà và bền vững với môi trường, góp phần tạo cảnh quan, thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp.
Cụ thể, sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học và phương thức sản xuất tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh những cơ sở mới thành lập, những trang trại nuôi lợn, gà tồn tại đã lâu, gây ô nhiễm môi trường phải thay đổi bằng cách đưa công nghệ cao, chế phẩm vi sinh vào, vận hành theo kiểu khép kín, vừa không để chất thải ảnh hưởng đến bên ngoài, vừa để nếu có vấn đề gì về dịch bệnh sẽ không lây lan ra các trang trại khác.
Theo Sở NN-PTNT Thành phố Hà Nội, phát triển nông nghiệp cao gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng hiệu suất sử dụng đất và năng suất lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân là những yêu cầu thực tế đang đặt ra.
Năm 2021, Hà Nội đã cấp kinh phí hỗ trợ 7 huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với số tiền hơn 48,9 tỷ đồng. Cụ thể, huyện Ba Vì được cấp 15,2 tỷ đồng, huyện Phú Xuyên 11,9 tỷ đồng, Phúc Thọ 9,8 tỷ đồng, Thanh Oai 5,2 tỷ đồng, Mê Linh 2,5 tỷ đồng, Thanh Trì 2,2 tỷ đồng, Quốc Oai 1,8 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí đó, các huyện trực tiếp hỗ trợ cho nông dân để chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi trên những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, tạo nên những khu vực nuôi trồng thủy sản như cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính; những khu vực trồng cây ăn quả bưởi, nhãn, dưa lê, dưa lưới; những khu vực trồng hoa ly, hoa cúc… áp dụng đồng bộ hay ứng dụng từng công đoạn công nghệ cao vào trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ.
UBND các huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, giống thủy sản sang nông nghiệp công nghệ cao cũng như kiểm tra, rà soát về đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ để bảo đảm đúng theo quy định...
Nguồn: Đinh Thanh Huyền/ nongnghiep.vn
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016