September 10, 2018
HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì (Kim Bôi) áp dụng KH-KT vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
Tại HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì, xã Hạ Bì (Kim Bôi) vài năm trở lại đây việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như: dưa chuột Nhật xuất khẩu, ớt xuất khẩu, cà chua sạch, rau, củ, quả các loại... Hình thức sản xuất theo truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm đã được thay thế bằng sản xuất quy mô lớn để tạo vùng nguyên liệu tập trung, chú trọng đến chất lượng, giá trị gia tăng, ổn định đầu tư đầu vào, có tính đến đầu ra cho sản phẩm.
ông Nguyễn Thái Học, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Hạ Bì cho biết: Từ trước đến nay, việc sản xuất nông nghiệp của bà con với quy mô nhỏ lẻ không tập trung thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các sản phẩm chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận nằm ở một bộ phận tiểu thương, còn người nông dân không có lãi. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không thiết tha với nông nghiệp và ngại đầu tư cho nông nghiệp. Nhằm khắc phục tình trạng trên để tìm ra hướng đi mới cho nông dân, từ cuối năm 2014, HTX thành lập và đi vào hoạt động đã đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng với Công ty Facific bao tiêu sản phẩm dưa chuột Nhật. Từ diện tích ban đầu 5 ha, đến nay phát triển lên 13 ha, trong đó trồng tại huyện Kim Bôi 5 ha và mở rộng sang địa bàn tỉnh Phú Thọ 8 ha. Năm 2017, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH ớt Việt Nam trồng 1,1 ha ớt tại xã Thượng Tiến. Ngoài ra, các sản phẩm rau, củ, quả của HTX đều được các trường học và nhà hàng bao tiêu sản phẩm. Năm 2017, doanh thu của HTX đạt gần 2 tỷ đồng.
Cái lợi rõ nét nhất của hình thức sản xuất này là nông dân sản xuất tập trung hơn nên thuận lợi trong việc ứng dụng KHCN. Người nông dân tham gia mô hình liên kết được cung cấp giống, tập huấn KH-KT và bao tiêu sản phẩm, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo số lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Như vậy có thể thấy, mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết tại HTX Hạ Bì mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững trong tương lai, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Để liên kết sản xuất bền vững
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất truyền thống. Tuỳ từng loại sản phẩm, có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%/ha và giá trị sản lượng tăng 20-25%, lợi nhuận từ 2 triệu đồng/ha trở lên. Tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Các doanh nghiệp đã có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển hàng hóa nông sản…
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và quá trình xây dựng NTM hiện nay, HTX có vai trò thiết yếu liên kết hộ nông dân trong việc sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đặc biệt tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa và chuỗi giá trị nông sản. HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm cho người nông dân. Vai trò cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu cho thành viên HTX. Nông dân yên tâm sản xuất, đồng thời tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất - HTX - thị trường.
Trao đổi về vai trò của HTX trong chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Trần Văn Thành, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: HTX là doanh nghiệp hoạt động ở nhiều cấp độ thị trường. ở những thị trường này, HTX phải cạnh tranh với các doanh nghiệp có cơ cấu quản lý rất chuyên nghiệp. HTX cần đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao của thị trường bán buôn, siêu thị và xuất khẩu. Để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cần xác định rõ hình thức nào và chủ thể nào được hỗ trợ. Trong thời gian tới, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cần thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan. Giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và quản lý chất lượng, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Vì thế, các quy định cần tạo điều kiện để phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN& PTNT tiến hành rà soát, ban hành các chính sách nhằm đẩy mạnh mối liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng. Đồng thời có chiến lược quảng bá, giới thiệu ưu điểm của vùng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông nghiệp cho các nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp hơn nữa. Ngoài ra cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học hướng dẫn, đưa tiến bộ KH-KT vào sản xuất, giúp các hộ xã viên ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tránh việc hai bên phá vỡ hợp đồng và cam kết cung ứng, tiêu thụ trong sản xuất. Giám sát chặt chẽ chất lượng thị trường vật tư nông nghiệp và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản là xu hướng tất yếu, nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đinh Thắng
Các địa phương lựa chọn sản phẩm chủ lực, hiệu quả
Những năm qua, Đảng, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thực hiện Quyết định số 62/2013/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN& PTNT, đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Do đó, nhiều địa phương xuất hiện những mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người dân và doanh nghiệp thường xuyên xảy ra, do đó cần bổ sung, sửa đổi và có chế tài xử phạt vi phạm cũng như có những chính sách cụ thể hỗ trợ đầu ra cho nông sản.
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi nhằm mục tiêu bên cạnh việc xây dựng mô hình "Mỗi xã một sản phẩm”, các địa phương sẽ lựa chọn được sản phẩm chủ lực, vừa góp phần củng cố tiêu chí thu nhập, vừa xây dựng thành điểm nhấn hàng hóa của địa phương. Để làm được điều này, quan trọng nhất hiện nay là các xã phải lựa chọn đúng sản phẩm để đầu tư, hỗ trợ và xác định được thị trường, tránh tình trạng hết nguồn vốn hỗ trợ thì sản phẩm cũng "chết yểu”.
Trần Văn Tiệp
Giám đốc Sở NN&PTNT
Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, HTX
Chuỗi giá trị có ý nghĩa to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sản phẩm nông nghiệp ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa còn hướng tới xuất khẩu, do đó, người nông dân hoặc các tổ hợp tác, HTX nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Vì vậy, cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ - tổ chức của nông dân - các doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế và làm tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi đúng nhưng việc triển khai trên thực tế còn chậm và gặp một số vướng mắc. Bên cạnh đó, nhiều khâu trong quá trình sản xuất tập trung chưa chủ động được, người nông dân còn mang nặng tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có ý thức tuân thủ hợp đồng… Do đó, để mô hình thành công rất cần sự vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được tính ưu việt của mô hình cũng như dần có những thay đổi trong tập quán canh tác.
Doanh nghiệp, HTX chính là "con chim đầu đàn” trong việc liên kết sản xuất và đi tìm thị trường tiêu thụ. Mặc dù doanh nghiệp rất tâm huyết nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian tới, Nhà nước cần mạnh dạn điều chỉnh lại một số chính sách liên quan đến tích tụ ruộng đất, chính sách cho doanh nghiệp, các ưu đãi tín dụng phải dài hơi hơn và phải nâng tầm quản trị HTX… để thực hiện thành công chuỗi giá trị này.
Lê Đình Bảng
Giám đốc Công ty TNHH ớt Việt Nam
(Theo baohoabinh.com)
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016