Thời gian qua, các địa phương đã chủ động triển khai hiệu quả một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng, nâng cao giá trị của rừng, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình, như huyện Ba Chẽ, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 91%, Ba Chẽ được định hướng trở thành một trong những trung tâm dược liệu xanh của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ cho biết, huyện đã quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu; triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, trong đó, phấn đấu trồng mới trên 100ha/năm các loài dược liệu.Bên cạnh đó, huyện xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc tại xã Thanh Lâm. Đối tượng chính là cây ba kích được trồng xen dưới tán rừng keo, trám, giổi, cây ăn quả cho năng suất đạt 5 tấn/ha, thu nhập 350 triệu đồng/ha/năm.
Hay như người dân các xã Đồng Sơn, Đồng Lâm và Kỳ Thượng (TP Hạ Long) đã lựa chọn cây khoai sọ nương trồng dưới tán cây keo, vừa phù hợp với thổ nhưỡng tại đây, vừa đem lại giá trị kinh tế cao. Để nâng cao chất lượng cây khoai sọ, năm 2016, địa phương đã triển khai thí điểm mô hình trồng phục tráng giống khoai sọ nương, tăng khả năng thích ứng, năng suất bình quân đạt 5-6 tấn/ha, nơi đất tốt đạt 10-12 tấn/ha. Ngoài ra, thành phố cũng đã hình thành vùng trồng cây dược liệu với diện tích hơn 150ha, tập trung ở các xã Quảng La, Bằng Cả, Ðồng Lâm, Ðồng Sơn, Tân Dân.
Nhằm phát triển kinh tế dưới tán rừng, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo, chọn lọc giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng cải thiện từng bước về năng suất, chất lượng, chủng loại.
Tỉnh cũng ưu tiên thu hút doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất giống; xây dựng rừng trồng gỗ lớn kết hợp phát triển kinh tế dưới tán rừng; hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đồng thời, khuyến khích người dân học tập, đầu tư, mở rộng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hay kết hợp chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên những lợi thế về rừng, qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.