June 2, 2022
Mắc ca là cây trồng phù hợp với địa bàn tỉnh Lâm Đồng và đem lại hiệu quả kinh tế khả quan cho nhiều nông hộ. Tại huyện Đam Rông - một huyện vùng xa của tỉnh, vốn được mệnh danh là vùng đất khó của Lâm Đồng, những năm gần đây, không ít nông hộ đã có nguồn kinh tế khá giả nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng, nhất là cây mắc ca.
Cùng với định hướng của ngành nông nghiệp địa phương, cây mắc ca tại huyện Đam Rông không còn là cây trồng mới nhưng đã được định hướng phát triển như một cây công nghiệp lâu năm và được trồng với quy mô lớn, hướng đến liên kết theo chuỗi, tạo ra vùng nguyên liệu bài bản, gắn với sơ chế, chế biến xuất khẩu. Hiện nay, tại Đam Rông đã phát triển diện tích mắc ca lên gần 1.000ha, tập trung chủ yếu tại 2 xã Đạ K’Nàng và Phi Liêng.
Đến tham quan vườn mắc ca rộng gần 4,5ha của gia đình anh Phan Văn Hội tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông) đang bước vào thời kỳ kinh doanh, anh Hội cho biết, anh bắt đầu tìm hiểu và trồng mắc ca từ năm 2011. Theo lời giới thiệu của người thân về cây mắc ca, anh Hội cùng nhóm anh em mạnh dạn sang Krông Năng (Đăk Lăk) tìm nhà vườn mua giống về trồng. Thời điểm đó, giống mắc ca đang “nóng” trên thị trường, nhất là giống mắc ca ghép lên đến 120.000 - 150.000 đồng/cây, còn cây thực sinh 45.000 - 50.000 đồng/cây và hạt đã tách vỏ quả 500.000 đồng/kg.
Anh Hội cùng nhóm anh em quyết định mua cây thực sinh và hạt giống về ươm để nhân giống. Ban đầu anh trồng xen trong vườn cà phê để làm cây che bóng, chống xói mòn đất. Kết quả, cây mắc ca sinh trưởng phát triển tốt, bắt đầu cho bông và có trái và ngày vụ sau càng sai trĩu.
Sau những lứa trái đầu tiên cho giá tốt, đem lại thu nhập khá cho gia đình, những cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê càng lớn càng phủ bóng, che lấp cà phê. Khi giá cà phê không ổn định, thiếu công lao động nên anh Hội quyết định chặt hết cà phê, chỉ trồng thuần mắc ca. Anh tự ươm và mua thêm cây giống về trồng thay cho cà phê.
Trồng mắc ca thật sự rất lợi, kể cả trồng xen trong vườn cà phê hay trồng thuần, muốn thành công cần nắm rõ kỹ thuật, từ tạo tán cho cây đến phòng trừ sâu bệnh. Mắc ca chủ yếu bị bọ xít muỗi chích hút quả nên cần phải thăm vườn thường xuyên và phòng trừ kịp thời để không ảnh hưởng đến chất lượng quả khi đến thời kỳ thu hoạch.
Tuy mắc ca là giống cây rừng nhưng để cho năng suất và hiệu quả kinh tế cần phải đầu tư phân bón, đặc biệt là phân chuồng. Mắc ca ưa phân chuồng và NPK, đầu tư đúng cây sẽ khỏe, trái sai, hạt to và nhân giòn, ngon. Anh Hội hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc diệt cỏ mà dùng máy cắt, dập tại chỗ tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ cho đất, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình và bảo vệ môi trường.
Năm 2021, với 4,5ha mắc ca, gia đình anh thu được 6 - 7 tấn hạt, trong vườn có những cây đạt năng suất tới 20 - 30kg hạt. Lúc trước, do sản lượng còn ít, anh Hội tách vỏ quả mắc ca xanh bằng phương pháp thủ công. Khi lượng quả thu hoạch nhiều, anh đã mua máy tách vỏ quả, áp dụng cơ giới hóa trong khâu sau thu hoạch, giúp giảm chi phí mà tăng năng suất lao động.
Để tăng giá trị hạt mắc ca vườn nhà, từ năm 2019 anh mua tủ sấy hạt và dụng cụ tách hạt, trực tiếp chế biến mắc ca sấy khô phục vụ thị trường. Sản phẩm quả mắc ca sấy khô đã được anh đăng ký kinh doanh với tên thương hiệu “Cơ sở mắc ca Hội Dung”. Cuối năm 2020, cơ sở của anh được chứng nhận sản phẩm OCOP với sản phẩm “Hạt Mắc ca sấy đạt hạng 3 sao” tại cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm năm 2020.
Sản phẩm mắc ca của gia đình anh được nhiều người tiêu dùng quanh vùng ưa chuộng vì độ tươi, giòn, thơm do chế biến từ trái mắc ca được trồng tại vùng đất Đam Rông. Hiện nay, anh đang liên kết với các nông hộ trồng mắc ca trong vùng tại 2 xã Đạ K’Nàng và Phi Liêng để thu mua hạt mắc ca với giá 100.000 đồng/kg để phục vụ sơ chế, chế biến, đưa sản phẩm mắc ca ra thị trường, từng bước thành lập chuỗi liên kết và tiêu thụ mắc ca không chỉ riêng xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng mà trên cả địa bàn huyện Đam Rông. Ước tính năm 2021, sản phẩm mắc ca Hội Dung bán ra thị trường hơn 5 tấn đã qua chế biến, tiêu thụ tại 2 thị trường chính là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Với kinh nghiệm gần 10 năm, cộng với việc tìm tòi, thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau, anh Hội cho rằng, mắc ca là cây cho giá trị cao gấp nhiều lần các loại cây công nghiệp khác. Lợi thế của cây mắc ca ở Đam Rông là có thể cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ, năng suất rất cao, trung bình đạt từ 15 - 20 kg/cây. Trong khi đó, quá trình trồng, chăm sóc đơn giản, chi phí đầu tư không nhiều, thu hoạch cũng không tốn nhiều nhân công, đầu ra cũng khá rộng mở, có bao nhiêu cũng bán hết.
Cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phát triển nhanh và chất lượng cũng đạt rất cao. Nhưng để có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, đòi hỏi hạt mắc ca địa phương không chỉ đảm bảo bảo về sản lượng, chất lượng mà quan trọng hơn hết là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Bên cạnh khâu chọn giống chất lượng và quy trình chăm sóc đạt chuẩn thì vấn đề thu hái, phơi sấy và bảo quản hạt mắc ca cũng rất quan trọng. Để hạt mắc ca chất lượng phải thu hái quả già vừa đủ, không xanh quá và không già quá, tức là khi vỏ sành của quả bắt đầu chuyển sang màu nâu.
Sau một thời gian canh tác cho thấy, cây mắc ca phù hợp với địa bàn huyện Đam Rông và cây chỉ xuất hiện một số sâu bệnh hại như bệnh bọ xít muỗi, thán thư… Do vậy, việc phát triển mắc ca trên địa bàn huyện Đam Rông đang có những tín hiệu hết sức lạc quan. Việc đưa cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê hay trồng thuần sẽ mở ra hướng phát triển bền vững, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường. Ngoài việc mở rộng diện tích, trong tương lai còn có thể đa dạng các sản phẩm chế biến từ hạt và nhân mắc ca như sữa, tinh dầu, mỹ phẩm… để tăng giá trị hạt mắc ca.
Thời gian tới, cơ sở mắc ca của anh Hội sẽ tiếp tục liên kết với nông hộ trồng mắc ca trong vùng, trồng và sản xuất hạt mắc ca theo quy trình hữu cơ dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng. Toàn bộ diện tích mắc ca của gia đình anh sẽ được chăm sóc kỹ lưỡng, sâu bệnh hại được khống chế tốt giúp cây sinh trưởng mạnh, tỉ lệ hoa đậu trái cao. Đặc biệt, nhân đạt chuẩn cũng cao hơn so với trước đây.
Trong tương lai, việc sản xuất mắc ca của huyện Đam Rông sẽ cần phải gắn với chế biến, mở rộng liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp… nhằm hình thành chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất tập trung, tiến đến xây dựng thương hiệu cho cây mắc ca, từng bước hình thành ngành hàng mắc ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: Văn Thọ - nongnghiep.vn
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016