Các học viên tham quan mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Ánh Ngọc
|
Hiệu quả thiết thực
Giám đốc HTX Nông nghiệp Kim An (huyện Thanh Oai) Đỗ Hùng Cường chia sẻ: “Tham gia lớp tập huấn, tôi đã nhận thức rõ sự cần thiết phải xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Vì vậy, sau khóa học tôi sẽ phổ biến cho các thành viên HTX hiểu đúng về vai trò của chuỗi giá trị, trước khi sản xuất cần phải xác định rõ tiêu thụ cho ai?”.
Cũng theo ông Cường, tham gia vào chuỗi, lợi ích của xã viên được tăng lên đáng kể. Đơn cử, năm 2017, sản lượng cam đường Canh của Kim An lên tới 1.000 tấn nhưng vẫn được tiêu thụ hết với giá bán trung bình 30.000 – 50.000 đồng/kg, trong đó, một lượng lớn được đưa vào hệ thống siêu thị Fivimart với giá bán ổn định. Đó là kết quả của việc HTX đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho xã viên và ký kết hợp đồng với Công ty CP Nhất Nam.
Mặc dù đã nhiều lần được tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức thuộc lĩnh vực nông nghiệp, song theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi và sản xuất trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai) Hoàng Văn Sáng, lớp tập huấn về chuỗi giá trị nông sản thực sự bổ ích. Bởi, thông qua việc phân tích chuỗi giá trị có thể xác định những khó khăn của từng khâu trong chuỗi, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Hội Chăn nuôi và sản xuất trứng vịt Liên Châu cung cấp cho thị trường 8 vạn quả trứng. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 15% sản lượng trứng được tiêu thụ qua chuỗi với 6 cửa hàng tiện tích trên địa bàn Hà Nội. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm trứng, giảm rủi ro cho hội viên trước biến động giá cả thị trường vẫn đang là bài toán khó.
Đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, cán bộ khuyến nông cần nhận thức đầy đủ để hướng dẫn, khuyến cáo nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, khuyến nông viên không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nhân rộng mô hình khuyến nông mà còn đảm nhận vai trò hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là xây dựng các tổ, nhóm liên kết sản xuất – tiêu thụ khép kín, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Nhận thức rõ vấn đề này, ngay từ đầu năm 2018, Trung tâm đã triển khai kế hoạch tập huấn cho các tác nhân tham gia chuỗi là cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên, chủ trang trại, cán bộ, xã viên HTX. “Sau tập huấn, các học viên sẽ áp dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm xây dựng thành công chuỗi giá trị nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân” - bà Hương nói.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, giai đoạn 2016 - 2020, các chương trình dự án khuyến nông tập trung vào việc xây dựng và phát triển các mô hình khuyến nông theo quy mô lớn, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Do đó, Sở đặc biệt chú trọng công tác nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Ánh
(Theo kinhtedothi)