Nhiều địa phương đã sử dụng máy móc vào sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn
Khi nông nghiệp “kiệt sức”
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng: Đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội. Sau 25 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc: giá trị sản xuất và GDP đã tăng liên tục trong một thời gian dài, sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, dù tình hình kinh tế rất khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, luôn ổn định và có tăng trưởng. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt 2,7%, năm 2013, tăng 2,6% và năm 2014 tăng 3,3%. Năm 2014, xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây là một dấu ấn mới của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay nông nghiệp Việt Nam cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ sử dụng nhiều lao động, vốn, vật tư và các nguồn lực tự nhiên. Mặt khác, vấn đề chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cần phải được đặt ra khi sản xuất nông nghiệp đã có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chững lại một cách rất đáng quan ngại.
Trong tương lai, nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh nguồn lực với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Chí phí sản xuất ngày càng cao đã làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam. Có thể nói, nếu cứ giữ nguyên mô hình và cách làm như hiện nay, nông nghiệp đã không còn dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ mới có thể giúp ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng ổn định và bền vững.
Liên kết là tất yếu
Theo PGS. TS Trịnh Khắc Quang- Quyền Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tái cơ cấu nông nghiệp có thể gói gọn trong 3 vấn đề, đó là: Đưa khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản; tổ chức lại sản xuất và nghiên cứu, phát triển thị trường, trong đó khâu tổ chức sản xuất là vô cùng quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định, trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh này thì liên kết, sản xuất và thị trường là vấn đề cốt lõi bởi vì chỉ có như vậy mới có thể khắc phục được những hạn chế trong quy mô kinh tế hộ, đồng thời dựa trên nhu cầu của thị trường để điều chỉnh sản xuất. Thực tế cho thấy, nếu sản xuất và tiêu thụ chưa gặp nhau, bài toán cung cầu cứ là ẩn số thì đó sẽ là “chiếc vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển sản xuất.
Còn theo TS Đăng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, hiện nay ở Việt Nam có 10 triệu nông hộ với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, cái gì cũng có nhưng số lượng hàng hóa làm ra không nhiều. Kéo theo đó là một lực lượng nhỏ lẻ (thương lái) đến thu gom nông sản mang về cho các chủ vựa rồi qua 2- 3 khâu trung gian nữa mới đến người tiêu dùng. Đây là hệ thống sản xuất, phân phối phức tạp và kém hiệu quả. Sản xuất theo chuỗi giá trị dựa trên một tổ chức chặt chẽ từ người sản xuất đến chế biến rồi phân phối ra thị trường, giữa các khâu thực hiện theo hợp đồng, theo kế hoạch nên tính tin cậy và hiệu quả cao hơn. Ở mức độ cao hơn nữa, sản xuất theo chuỗi còn nâng cao được giá trị gia tăng thông qua chế biến sâu, qua bao bì nhãn mác, qua thương hiệu- đó là sự khác nhau giữa sản xuất hiện nay và sản xuất theo chuỗi giá trị trong tương lai.
Ông Sơn cho rằng: Sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những đột phá quan trọng hàng đầu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp bởi ba lý do: thứ nhất, nó cho phép tập trung các nguồn tài nguyên, nguồn vốn... vào các mặt hàng mà nước ta có lợi thế; thứ hai, sản xuất theo chuỗi sẽ sắp xếp tổ chức lại sản xuất theo hướng chia sẻ đều quyền lợi cũng như rủi ro cho các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, từ đó tạo động lực cho sản xuất, các tác nhân phát huy được hết khả năng của mình; thứ ba, sản xuất theo chuỗi cho phép kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn và các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa từ đó duy trì được thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh, đưa hàng hóa vào thị trường. Đây là khâu chúng ta đang rất yếu.
Còn theo PGS, TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, “sản xuất theo chuỗi giá trị là xương sống trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua chuỗi liên kết sẽ phân công công việc phù hợp với từng đối tượng sản xuất, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ông Vang chia sẻ, hiện nay ở các quốc gia phát triển, sản xuất theo chuỗi giá trị chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối. Như ở Mỹ, sản xuất theo chuỗi giá trị đã được áp dụng từ năm 1954, đến nay toàn bộ sản phẩm chăn nuôi đều theo phương thức này. Ở Việt Nam, sản xuất theo chuỗi mới xuất hiện khoảng chục năm nay dưới hình thức doanh nghiệp đặt hàng cho các hộ nông dân nuôi gia công gà, lợn... Ông Vang đưa ra một thông tin so sánh: Giá thành thịt lợn nếu sản xuất theo chuỗi là 39 nghìn đồng/kg hơi trong khi sản xuất đơn lẻ giá thành lên tới 45- 46 nghìn đồng/kg.
Tương tự, Cục Chăn nuôi đã khảo sát gần 20 chuỗi liên kết tại Hà Nội cho thấy hiệu quả khá tốt của mô hình sản xuất theo chuỗi, cụ thể người lao động có thu nhập bình quân từ 36 đến 60 triệu đồng/năm. Ở Hà Tĩnh, mô hình chăn nuôi liên kết với quy mô 500- 2500 lợn thương phẩm/lứa cho lợi nhuận bình quân 220 triệu đồng/năm, mô hình quy mô nhỏ đạt lợi nhuận 400- 700 nghìn/con. Người lao động ở HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh) có thu nhập bình quân lao động từ 2,5- 5 triệu đồng/tháng, HTX Hòa Lộc đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng...
Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Đăng Vang, hiện nay giá trị của phương thức sản xuất theo chuỗi của khối doanh nghiệp FDI mới chỉ chiếm khoảng 6,5%, doanh nghiệp trong nước khoảng 6%. Vì vậy, ông Vang đề xuất “kết nối tối ưu chuỗi giá trị khép kín” và cho rằng việc liên kết là con đường tất yếu để nông dân thoát cảnh “được mùa mất giá”.
Qua nắm bắt từ thực tiễn ở các cơ sở sản xuất, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội nhận xét, người nông dân chăn nuôi mỗi lúa lợn mất 5- 6 tháng, trong suốt thời gian đó giá cả biến động rất nhiều nhưng nông dân hoàn toàn bị động, chưa biết bán sản phẩm ở đâu. Khi đến kỳ xuất chuồng, do không có hợp đồng nên nông dân thường bị tư thương ép giá nhưng vẫn buộc phải bán vì càng nuôi càng không có hiệu quả. Đây là một thực tế lâu nay mà chưa dễ gì khắc phục ngay được. Ông Tường cho rằng, sản xuất theo chuỗi giá trị có thể giải quyết được vấn đề này, đồng thời có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo VSATTP, mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng. Nếu không sớm nhìn nhận và giải quyết vấn đề này thì đến khi VN gia nhập TPP, ngành chăn nuôi sẽ hết cơ hội.
Đã xuất hiện những mô hình thành công
Hiện nay, đã có những doanh nghiệp hợp tác với nông dân triển khai khá hiệu quả những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Điển hình là các doanh nghiệp như CP Việt Nam, Tập đoàn DABACO, Tổng Cty Khoáng sản Thương mại Hà Tĩnh... Hình thức liên kết này là doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng. Mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc được xây dựng bao gồm các hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP, các cơ sở giết mổ và các chợ. TP Hồ Chí Minh xây dựng liên kết giữa Vissan và hộ chăn nuôi theo VietGAHP, giết mổ lợn sạch và có chứng nhận GAHP đến tận tay người tiêu dùng. Ở các địa phương chăn nuôi bò sữa phát triển cũng đã tổ chức để xây dựng các chuỗi liên kết như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Thanh Hóa... Tại Hà Nội, Công ty Cổ phần sữa quốc tế IDP đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 2.800 hộ chăn nuôi bò sữa; tại Sơn La, Công ty sữa Mộc Châu liên kết với hơn 700 hộ chăn nuôi. Tại Thanh Hóa, đã hình thành liên kết giữa trang trại bò sữa Sao Vàng và nhà máy chế biến tại Khu công nghiệp Lễ Môn. Hiện tổng đàn bò tham gia chuỗi liên kết là 1.500 con, sản lượng sữa 2 triệu lít/năm trên tổng công suất của nhà máy là 40 triệu lít/năm.
Hiện nay, có 2 hình thức liên kết là liên kết dọc và liên kết ngang. Đối với liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư tổ chức sản xuất, ứng dụng KHKT; người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất. Liên kết dọc có ưu điểm là người chăn nuôi tham gia chuỗi có thu nhập ổn định, lợi nhuận ít bị biến động bởi giá cả thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận giữa các mắt xích trong chuỗi chưa hài hòa, tỷ lệ lợi nhuận của người chăn nuôi thấp (khoảng 8,2%), lợi nhuận chủ yếu thuộc về doanh nghiệp. Đối với chuỗi liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh liên kết lại nhằm hỗ trợ nhau đưa sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển. Trong mô hình liên kết này, đơn vị kinh doanh đóng vai trò cầu nối giữa nông dân, xã viên với doanh nghiệp chế biến, phân phối. Do người chăn nuôi đồng thời là thành viên HTX, hiệp hội nên lợi nhuận cao (khoảng 25- 40%).
Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đang triển khai chuỗi giá trị lúa gạo thông qua chương trình “Cánh đồng lớn” với diện tích vùng trồng lúa lên tới 65.600 ha vào năm 2014 và kế hoạch sẽ tăng lên 320.000 ha vào năm 2018. Công ty ký hợp đồng sản xuất lúa với hơn 28.000 hộ nông dân tại 11 tỉnh ĐBSCL, đầu tư 5 nhà máy chế biến lúa gạo, tổng công suất 700.000 tấn/năm, dự kiến sẽ nâng lên 12 nhà máy, tổng công suất 2.400.000 tấn/năm vào năm 2018. Hiện công ty đã có 1.200 kỹ sư, cán bộ nông nghiệp “ba cùng” hướng dẫn kỹ thuật canh tác trực tiếp cho nông dân ngay tại đồng ruộng.