Chiến lược và chính sách nâng cao giá trị nông sản Việt Nam
January 4, 2022
Đặt vấn đề làm gì để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trước hết cần phải nhìn nhận chúng ta đang thiếu chiến lược lớn và những chính sách cần thiết.
Nhìn vào thực tiễn có thể thấy nông nghiệp Việt Nam là một mũi nhọn chiến lược, là một thế mạnh thực sự bởi trên thế giới ít có quốc gia nào có thế mạnh về nông sản như ở Việt Nam.
Ông Philip Kotler, một trong những nhà sáng lập trường phái marketing hiện đại của thế giới đã nói “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”, bởi vì với thiên nhiên ưu đãi, khí hậu vừa nhiệt đới vừa ôn đới nên mỗi vùng miền, mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có những sản phẩm nông sản đặc trưng, tạo thành những món ẩm thực đặc trưng, không một quốc gia nào trên thế giới có được.
Sau này có dịp gặp trực tiếp Philip Kotler, trò chuyện với ông ấy mới thấy hết hàm ý sâu xa của câu nói đó và cũng phần nào thấy hết được giá trị của nông sản Việt. Nông sản Việt Nam, ẩm thực Việt Nam rất gần gũi với thiên nhiên và dường như với hàng nghìn năm lịch sử, người Việt ăn cũng là uống thuốc. Các món ăn của người Việt nhiều rau, ít dầu mỡ, được gia giảm cầu kỳ không phải vì mùi vị mà vì cân bằng âm dương trong cơ thể. Nói không ngoa, nếu thế giới có bếp ăn kiểu Việt Nam thì cuộc sống sẽ lành mạnh biết bao nhiêu.
Cho nên, đánh giá giá trị của nông sản Việt không chỉ là số liệu xuất khẩu được bao nhiêu mà còn rất nhiều yếu tố khác đằng sau đó và cần phải có chiến lược thực sự bài bản, ở tầm vóc quốc gia.
Nhìn vào con số xuất khẩu năm 2021 có thể thấy rõ vai trò nông nghiệp, chất lượng nông lâm thủy sản và giá trị thực chất của chúng ta. Năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 48 tỷ USD và giá trị gia tăng của nông nghiệp là từ 50 - 60%, tính vào GDP tầm 25 tỷ USD. Trong khi đó với 250 tỷ USD của công nghiệp chỉ có giá trị gia tăng 5%, khoảng 12,5 tỷ USD, tức là chúng ta chỉ thu được phần tiền lương của công nhân thôi, còn lại lợi nhuận các doanh nghiệp FDI chuyển về nước hết. Những con số đó cho thấy chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam cần thiết đến mức độ nào.
I.
Thứ nhất là chiến lược về truyền thông. Ai cũng nhìn thấy truyền thông hiện nay đang trở thành quyền lực cực lớn và ở góc độ nào đó có thể nói là mang tính quyết định về thương mại, đặc biệt là thương mại nông sản. Thế nhưng truyên thông của chúng ta hiện tại vẫn đang đi theo cách truyền thống và rất khó.
Thời buổi này người tiêu dùng không có điều kiện để nhìn tận mắt, sờ tận tay sản phẩm nông sản của chúng ta mà tất cả đều đã được số hóa cho nên tôi nghĩ rằng cần phải có một chiến lược truyền thông trên nền tảng số hóa để có thể quảng bá được tất cả những gì Việt Nam có ra quốc tế.
Mới đây, Tập đoàn Alibaba đã thực hiện một chương trình rộng lớn khi lập nền tảng truyền thông cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới trong đó chủ yếu là nông sản. Điều đó cho thấy nền tảng số hóa đang là giải pháp giúp khách hàng có thể nhận diện được sản phẩm của mình để từ đó có thể xúc tiến thương mại, truyền thông hàng hóa và bán sản phẩm. Và chúng ta cũng không thể đứng ngoài xu thế này.
Phải có chiến lược, có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, đặc biệt là về cơ sở dữ liệu, về những gì chúng ta có. Sản phẩm được sản xuất ở vùng nào, quy mô ra sao, quy trình sản xuất, chế biến và công nghệ bảo quản cần phải được minh bạch nhằm mục đích để thế giới họ thấy được chúng ta có cái gì, như thế nào, từ đó quyết định tham gia vào thị trường thế giới ra làm sao. Sau quảng bá là chiến lược làm thế nào để có được khách hàng và giữ chân khách hàng. Cần phải có một hệ sinh thái về hàng hóa đa dạng, nhiều sản phẩm và tiện ích để khách hàng có nhiều lựa chọn với sản phẩm của chúng ta.
Chiến lược thứ hai là về chất lượng nông sản Việt, đặc biệt là công nghiệp chế biến thực phẩm. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng nông sản Việt Nam nhiều như thế thì chế biến nông sản chắc phải là thế mạnh, nhưng không phải như thế.
Rất nhiều nhà chiến lược công nghiệp đã khẳng định, chế biến nông sản là một trong những công nghệ chế biến phức tạp nhất, vì nó là miếng ăn của con người nên bị hàng rào kiểm duyệt của các nước rất chặt chẽ. Bán một chiếc ô tô, xe máy nếu gặp lỗi gì có thể thu hồi, sửa chữa nhưng với thực phẩm thì không thể. Thực phẩm là sinh mạng con người, nếu có vấn đề gì thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay và uy tín của chúng ta cũng sẽ mất hoàn toàn, không bán được cho ai.
Điều đó có nghĩa là công nghiệp chế biến thực phẩm và xuất khẩu thực phẩm phải được coi là ngành công nghiệp rất cao, tiệm cận với công nghệ dược phẩm chứ không đơn giản chỉ là miếng ăn. Nhưng lâu nay tôi có cảm tưởng từ người làm chính sách đến người sản xuất, người chế biến ở Việt Nam vẫn chưa nhận thức được một cách sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này.
Còn nhớ, thời điểm hoạch định chiến lược cho công nghiệp của đất nước đã có người đề xuất Việt Nam phải tập trung vào công nghiệp chế biến thực phẩm bởi chẳng phải chúng ta luôn tự hào là đất nước nông nghiệp đó hay sao! Nhưng tôi vẫn nhớ lúc đó ông Trần Văn Thọ - giáo sư kinh tế tại trường Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) đã khẳng định: Đừng tưởng chế biến thực phẩm là đơn giản. Nó còn phức tạp hơn nhiều so với sản xuất tivi hay máy tính. Muốn làm công nghiệp thực phẩm thì trước hết Việt Nam phải tập trung vào công nghiệp điện tử đã. Còn không thì phải học tập Thái Lan, Malaysia liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng công nghệ của họ chứ nếu tự làm sẽ rất khó.
Đến bây giờ mới thấy những gì ông Thọ nói là đúng. Nhờ đi vào điện tử chúng ta mới xuất khẩu được như thế chứ nếu làm chế biến có khi vẫn còn lẹt đẹt, không ai dám mua hàng của chúng ta. Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề xuất khẩu nông sản dưới dạng có uy tín trên thương trường là cả một chiến lược lớn và tập trung chủ yếu vào vấn đề toàn bộ công nghệ sản xuất, thu hoạch và chế biến.
Chiến lược thứ ba là về công nghiệp bảo quản. Tư duy vẫn hay cho rằng khâu đầu vào, quy trình sản xuất quyết định sản phẩm nông nghiệp, nhưng thực tế bảo quản vô cùng quan trọng vì nó là khâu dễ nhiễm bẩn nhất.
Một số người nước ngoài hay nói đùa với tôi là vào chợ ở Việt Nam mua thực phẩm giống như đi trên bãi mìn, tức là có thể chết bất cứ lúc nào. Chính vì chúng ta không có cách nào để bảo quản nông sản được lâu nên mới có tình trạng ngâm hóa chất độc hại và hãy khoan bàn chuyện nông sản Việt ngon hay dở mà phải làm sao cho sạch đã, dứt khoát cần phải có chính sách về công nghiệp bảo quản.
Hiện nay, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang sử dụng công nghệ bảo quản đông lạnh của Nhật, tuy nhiên trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều công nghệ mới về bảo quản thực phẩm như cấp đông bằng sóng âm. Công nghệ này không dùng đá mà chỉ là một màng tuyết rất mỏng giữ cho sản phẩm tươi gấp bốn lần, chi phí vận chuyển giảm khoảng 70%, dung tích các kho đông lạnh giảm, đường vận chuyển có thể đi dài hơn, cất trữ được lâu hơn so với dùng đá…
Chính sách áp dụng công nghệ mới sẽ giải quyết bài toán chất lượng nông sản Việt vì nó giống như bàn tay vô hình có thể khống chế sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Tuy nhiên, cái hiện nay chúng ta đang yếu về nông sản xuất khẩu là thiếu một chiến lược toàn diện, chi tiết, hiện đại và thiếu một nguồn kinh phí cho việc đó. Chúng ta có thể bỏ nhiều kinh phí cho giao thông, thủy lợi, nhưng lại chưa đầu tư để nâng giá trị thành quả của mình. Nó giống như câu chuyện một người làm việc cả ngày vất vả kiếm được đồng tiền công nhưng sử dụng đồng tiền đó chẳng đâu vào đâu cả.
II.
Nói gì thì nói, nông sản hay ẩm thực Việt Nam chưa thể vươn tầm thế giới được một phần là do đang thiếu những chính sách.
Thử nhìn xem Việt Nam mình đang yếu nhất cái gì? Là công nghệ. Tất cả những tuyên bố 4.0 hay số hóa đều chưa thực chất và phần nào đó đang còn nằm trên giấy. Công nghệ Việt Nam so với các nước Asean thôi cũng đã thấy yếu kém rồi và chúng ta chưa có chính sách để cải thiện điều đó.
Ở Đài Loan họ có một Viện Công nghệ quốc gia được chính quyền tài trợ tiền và giao nhiệm vụ rất cụ thể. Ví dụ nhiệm vụ là phải đưa chanh leo Đài Loan xuất khẩu ra thế giới với giá trị cao chẳng hạn. Ông cần bao nhiêu tiền, cần làm gì đều phải có chiến lược hết sức rõ ràng và phải làm bằng được. Ông phải tìm tất cả những người dân, doanh nghiệp sản xuất chanh leo, đầu tư như thế nào, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, làm thương hiệu ra làm sao… Nhờ chiến lược rõ ràng, ở tầm vĩ mô như thế mà giá trị nông sản của Đài Loan mới được nâng cao như thế.
Thực tế ở ta, nếu Chính phủ giao nhiệm vụ để tập trung làm các sản phẩm nông sản như thế thì chắc chắn cũng sẽ làm được, tuy nhiên từ trước đến nay nông nghiệp Việt Nam vẫn là lĩnh vực ít được đầu tư nhất, chủ yếu tự bươn chải là chính. Một là nguồn lực hạn hẹp, hai là không có cách làm tốt, ba là chính sách hoặc là thiếu hoặc chưa có tầm nhìn.
Chúng ta có những chính sách như hỗ trợ mua máy nông nghiệp chẳng hạn, sai ngay từ khi đặt vấn đề. Không ai đi hỗ trợ cho người mua cả mà phải tài trợ cho người sản xuất. Tài trợ và giao nhiệm vụ phải làm sao sản xuất ra được những loại máy đủ sức cạnh tranh để người dân họ lựa chọn sản phẩm của mình chứ không phải kiểu hỗ trợ tiền để người dân mua nhưng chất lượng sản phẩm lại không bằng người ta được.
Hay những chính sách, quy định về cấp phép công nghệ mới quá dài. Ví dụ cấp phép phân bán hữu cơ organic vẫn mất khoảng chừng hai năm. Thời buổi công nghệ phát triển, thay đổi chóng mặt mà phải đợi hai năm mới được cấp phép thì còn gì là công nghệ nữa. Trong khi đó chỉ cần phòng lab là có thể khẳng định được hiệu quả chất lượng rồi. Phải rút ngắn thời gian kiểm nghiệm công nghệ mới, có những phòng phân tích hiện đại để khẳng định chứ không phải cứ bắt người ta thử nghiệm mãi được.
Tất nhiên, thuyết phục nông dân để họ sử dụng công nghệ mới là một vấn đề rất lớn và Chính phủ phải có những chương trình cụ thể nhắm vào những mục tiêu như vậy. Bởi vì đưa công nghệ mới vào chi phí tăng lên, nông dân mình khó chấp nhận, phải có chính sách hỗ trợ để tầm nhìn có thể dài hạn hơn.
Thứ hai là công bằng. Một ông áp dụng công nghệ mới, sản phẩm sạch nhưng khi ra thị trường vẫn bán với giá như một ông làm bẩn, điều đó khiến những người đi theo công nghệ mới nản lòng. Những vấn đề đó, người nông dân hay doanh nghiệp đều không giải quyết được mà phải chính quyền và chính sách quản lý.
Tóm lại về chính sách cần phải thực chất, hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp thực sự chứ thực tế hiện nay có những doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất khát vọng, rất ý chí nhưng chỉ cần một vài lần thất bại là hỏng. Phải nuôi dưỡng họ, hỗ trợ họ đầu tư vào nông nghiệp để tránh tình trạng nhìn vào nông nghiệp dưới con mắt bất động sản bởi điều đó sẽ là thảm họa cho Việt Nam.
III.
Nâng cao giá trị nông sản Việt Nam không chỉ đơn thuần trên phương diện xuất khẩu mà còn là sự quảng bá, giới thiệu và làm thương hiệu ngay trên chính đất nước của chúng ta.
Mấy năm nay tôi nghiên cứu thấy, bắt đầu từ năm 2005 đến nay giá trị gia tăng trên một lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ tăng dần lên, trong khi đó trong công nghiệp lại giảm dần.
Điều đó cho thấy chiến lược phát triển, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam cần phải có sự kết hợp, hỗ trợ nhau giữa hai mũi nhọn kinh tế là nông nghiệp và dịch vụ.
Tại sao phải kết hợp như vậy? Bởi vì thực tế phần lớn lao động dư thừa trong nông nghiệp của chúng ta đã được dịch vụ thu hút nhiều gấp ba lần so với công nghiệp. Xu thế này sẽ ngày càng bộc lộ rõ khi công nghiệp sẽ tiếp tục số hóa, tự động hóa, lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp vào khu vực này sẽ ít dần đi. Giải quyết bài toán lao động, kết hợp nông nghiệp và du lịch chính là kênh quảng bá và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam cực kỳ hiệu quả.
Khía cạnh thứ hai là văn hóa. Văn hóa dân gian Việt Nam tồn tại chủ yếu trong nông thôn và nông nghiệp. Đó là một thế mạnh mà tôi nghĩ rằng chúng ta chưa khai thác để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, ăn nghỉ rồi thì cũng phải tìm hiểu văn hóa và chỉ nông dân, nông thôn mới cung cấp được ngành dịch vụ về văn hóa để níu chân du khách, để lan truyền về một dân tộc có giá trị văn hóa lớn đến thế nào.
Ví dụ, giá trị văn hóa lớn nhất hiện đang tồn tại ở nông thôn Việt Nam là đạo Mẫu. Trên thế giới chỉ có ba nước có quốc đạo là đạo Do Thái của người Israel, đạo Thần giáo của Nhật Bản và đạo Mẫu của Việt Nam. Đạo Mẫu của Việt Nam là sức mạnh văn hóa rất lớn trong nông thôn mà chúng ta chưa khai thác hết, chưa làm cho du khách nước ngoài công nhận sâu sắc, cảm nhận vào Việt Nam họ được sống trong môi trường văn hóa như khác biệt nhất của cả thế giới.
Khía cạnh thứ ba là ẩm thực. Du lịch mà không có ẩm thực của nông dân, nông thôn hỗ trợ thì không giải quyết được vấn đề gì. Ẩm thực Việt Nam thuộc loại ẩm thực lành mạnh nhất hiện nay của thế giới và phong phú hơn bất kỳ quốc gia nào.
Cuối cùng là trải nghiệm phong cảnh. Cuộc sống con người khi càng văn minh thì cái tôi càng ít và cái ta sẽ nhiều lên. Cái ta ở đây là yếu tố cộng đồng. Trải nghiệm phong cảnh Việt Nam, du lịch cộng đồng Việt Nam, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu văn hóa Việt Nam sẽ tạo thành những dấu ấn khó phai trong lòng du khách. Để rồi khi trở về đất nước họ, gặp lại những sản phẩm nông sản Việt Nam ở đó chắc chắn họ sẽ mua ngay.
TUYÊN QUANG Vụ cam năm nay, người trồng cam hữu cơ ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu lãi cả trăm triệu đồng vì cam được giá và được thị trường khó tính đón nhận.