Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao.
Bên cạnh đó, diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp nước ta.
Giải bài toán cho các vấn đề này, theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà.
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm.
Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Nhận định về sự đóng góp của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp nước ta, nhiều chuyên gia, nhà khoa học chung nhận định, khoa học và công nghệ thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Bà Nguyễn Thị Đông Phương, Giám đốc Công ty Khang Hân, Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Về công nghệ tưới tiêu tự động thì trước đây với 1000m2 cây trồng phải cần đến 10 công nhân để tưới phun hàng ngày, tuy nhiên với công nghệ tưới tiêu tự động thì chỉ cần 1 người là có thể vận hành toàn bộ hệ thống với 22000m2. Về nhà màng nhà lưới với thời tiết khắc nghiệt ở Huế là công cụ rất là hữu hiệu và quan trọng trong sản xuất nông nghiệp”.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch Hội nông dân phường Hương An, thành phố Huế nói về việc ứng dụng công nghệ cao tại địa phương đã đem lại hiệu quả cao trong nông nghiệp như ít sâu bệnh và không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Hiện nay, Hội nông dân phường Hương An đang phối hợp với Ủy ban nhân dân, Hợp tác xã nông nghiệp và phòng kinh tế khảo sát chọn vùng, chọn một số hộ hướng đến Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Cùng với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số trang trại cũng đầu tư theo hướng kết hợp hoạt động dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp với mục đích vận động người nông dân sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững.