Nhiều mặt hàng đẩy mạnh xuất khẩu sang EU
Nông sản, thực phẩm Việt Nam và EU không cạnh tranh nhau mà mang tính bổ trợ cho nhau. Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA đang mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ cả 2 phía.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương), cho biết, năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang hầu hết các nước thành viên EU đều tăng.
Có thể nói, đây là một kết quả tích cực trong năm đầu tiên Việt Nam thực thi EVFTA, các doanh nghiệp đã tận dụng được tốt các điều kiện ưu đãi do Hiệp định này mang lại. Con số này thậm chí có thể cao hơn nữa nếu như quý III/2021, sản xuất thủy sản của Việt Nam không bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho thấy, xuất khẩu thủy sản sang EU trong nửa đầu năm nay tăng trưởng rất mạnh. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu thủy sản sang khu vực thị trường này đạt 562 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm là có sự tác động không nhỏ từ Hiệp định EVFTA. Từ khi Hiệp định này có hiệu lực, nhiều dòng thuế đối với thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào EU đã bị xóa bỏ, giúp cho thủy sản Việt Nam có sự cạnh tranh hơn về giá so với các nguồn cung khác.
Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá xuất khẩu toàn ngành điều. Năm 2021, xuất khẩu hạt điều sang thị trường EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020.
Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU trong năm qua cũng có tác động từ EVFTA khi mà thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều Việt Nam nhập khẩu vào EU giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7 - 12%.
Xuất khẩu gạo sang EU cũng tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay. Theo Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, trị giá 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khối EU, Italy bất ngờ dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng 26 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, còn một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan…
Đáng chú ý, trong khi giá xuất khẩu gạo bình quân của cả nước trong 2 tháng đầu năm giảm 12,1% xuống còn bình quân 469 USD/tấn thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận mức tăng 9% lên 755 USD/tấn.
Giá gạo của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước do chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao. Tuy tăng mạnh, nhưng nhờ có EVFTA, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ khác như Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ…
Tận dụng cơ hội khi EU thiếu hụt thực phẩm
Ngoài những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt mà các nước EU, Mỹ… áp với Nga, cũng đang tạo thêm cơ hội cho các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam.
EU vốn là đối tác thương mại chính của sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy sản của Nga và Ukraine. Do đó, khu vực thị trường này đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhiều loại thực phẩm quan trọng. Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, cho biết, việc nhiều quốc gia EU và Mỹ đang “trừng phạt” cá minh thái của Nga khiến cho nguồn cung cá thịt trắng của khu vực này bị giảm đáng kể.
Nga là nước có sản lượng cá minh thái lớn nhất thế giới. Dữ liệu từ Groundfish Forum, cho thấy, năm 2022, ước tính 49% sản lượng cá minh thái đánh bắt toàn cầu là của Nga. Cá minh thái của Nga vốn là sản phẩm cạnh tranh mạnh với cá tra trên thị trường cá thị trắng ở EU. Vì vậy, sự thiếu hụt nguồn cung cá minh thái do các lệnh cấm vận mà EU nhắm vào Nga, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu cá tra đông lạnh sang EU.
Kết quả xuất khẩu cá tra sang EU nửa đầu năm nay đã minh chứng cho điều này. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU tăng trưởng rất mạnh tới 89%, đạt gần 89 triệu USD.
Thịt, sữa… EU có thị phần lớn ở Việt Nam
Ở chiểu ngược lại, EVFTA cũng đang tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của EU thâm nhập vào thị trường Việt Nam, nhất là các mặt hàng từ chăn nuôi như thịt, sữa …
Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 36,78 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 77,5 triệu USD. Trong 5 thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn nhất vào Việt Nam, có hai thị trường thuộc EU là Đức và Hà Lan.
Nửa đầu năm nay, nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu từ Đức và Hà Lan lại tăng mạnh. Nhờ vậy, trong 5 tháng đầu năm, Đức trở thành thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn thứ 3 vào Việt Nam, chiếm 17,5% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu; Hà Lan đứng thứ 5 với thị phần 3,8%.
EU hiện cũng đang là một trong những thị trường xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa hàng đầu vào Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021, sữa và sản phẩm sữa từ EU nhập khẩu vào Việt Nam đạt 96 triệu USD, chiếm 15% tổng giá trị sữa nhập khẩu. Nhiều nước thuộc EU nằm trong những thị trường xuất khẩu sữa lớn nhất vào Việt Nam như Đức, Pháp …
Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống của EU cũng đang có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhờ những ưu đãi từ EVFTA như trái cây, rượu vang… Thu nhập ngày càng tăng đang khiến cho nhu cầu sử dụng trái cây nhập khẩu (nhất là trái cây ôn đới như táo, lê…), rượu vang, ngày càng tăng ở Việt Nam. Đây lại là những sản phẩm thế mạnh của các nước EU.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), trong năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang thị trường EU tăng mạnh 37% so với năm 2020, đạt 87 triệu USD. Trong đó, sản phẩm chủ lực là nghêu tăng 42% và đạt 78 triệu USD. Nghêu hiện đã trở thành loài thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang thị trường EU. Trong đó, xuất khẩu nghêu sang 3 thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha đều tăng 38 - 44%.