Phát triển chuỗi giá trị nông sản với quy trình chuỗi từ truy xuất nguồn gốc cho đến quản lý chuỗi, chuỗi đông lạnh, xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống chứng nhận chất lượng nhãn hiệu “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” vẫn đang là các giải pháp mà Lâm Ðồng thực hiện. Trước mắt có thể bắt tay vào thực hiện ngay đó là xây dựng vững chắc từ gốc của chuỗi giá trị, nâng giá trị nông sản từ khâu sau thu hoạch.
|
Nông sản được phân loại và sơ chế tại Công ty TNHH Phong Thúy. Ảnh: D.T |
Giảm áp lực ngay tại “nguồn”
TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Lâm Đồng để xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu chất lượng và quy cách đóng gói cho từng mặt hàng cụ thể. Trước mắt, TP Hồ Chí Minh chỉ cần làm sạch và đóng gói, chưa đặt nặng vấn đề nhãn hiệu và quy cách hàng hóa, cũng như truy xuất nguồn gốc. |
Với hơn 70% sản lượng nông sản được xuất về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh được xem là “thị trường mục tiêu” của Lâm Đồng. Thực tế, việc kiểm soát chất lượng đối với rau, củ, quả vẫn còn bỏ ngỏ cho nên việc sơ chế, dán nhãn và truy xuất nguồn gốc tại vùng canh tác đang là biện pháp được các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, nhằm siết chặt hơn nữa việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị cho nông sản Lâm Đồng.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh: Sản lượng nông sản nhập chợ bình quân hàng đêm hiện nay tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn của TP Hồ Chí Minh ước đạt 9.205 tấn/đêm. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 ba chợ đầu mối ước đạt 240 tấn/ngày, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm gần 90%. Để xử lý hết toàn bộ lượng rác thải này, ban quản lý 3 chợ đầu mối phải tốn chi phí hơn 2 tỷ đồng/tháng cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ, tương đương gần 67 triệu đồng/ngày. Nếu nông sản được sơ chế tại nơi thu hoạch sẽ giảm đuợc chi phí vận chuyển, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản, từ đó nâng sức cạnh tranh của sản phẩm. Khi về các chợ đầu mối, hầu hết các loại rau, củ, quả được sơ chế đơn giản, trong quá trình vận chuyển chưa được đóng gói và bảo quản, khiến sản phẩm bị dập, ủng nên đến chợ phải sơ chế lại; nhiều loại như bắp cải, cải thảo, xà lách… sau khi sơ chế lại phải loại bỏ đến 40%.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đã phân tích: Hạn chế còn tồn tại trong chuỗi nông sản Việt Nam và Lâm Đồng nói riêng là do chi phí đầu vào quá cao do lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Chất lượng hiệu quả sản xuất thấp do sản xuất manh mún, quy trình kỹ thuật sai, chất lượng không đồng đều. Đến khâu thị trường thì gặp phải vấn đề chi phí sau thu hoạch cao do giao dịch qua nhiều khâu trung gian, thiếu kho chứa bảo đảm tiêu chuẩn và vận chuyển đóng gói còn hạn chế, giao dịch hậu thu hoạch tốn kém mà chất lượng sản phẩm lại thấp, thiếu thương hiệu và thông tin thị trường.
Để giải quyết các vấn đề từng bước, mà quan trọng là tăng giá trị chuỗi cho nông sản, theo bà Nguyễn Huỳnh Trang: Cần phải giảm áp lực ngay tại “nguồn”, nghĩa là ngay tại nơi sản xuất thực hiện sơ chế, đóng gói nông sản tại chỗ thì khi đến nơi tiêu thụ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nhân lực, tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt chính là người tiêu dùng sẽ mua được sản phẩm tốt nhất với giá trị thật của sản phẩm. Sớm nhìn nhận được vấn đề, từ năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình Trung tâm sau thu hoạch “Bảo quản và chế biến rau, củ, quả” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Với mục tiêu tăng khối lượng sản phẩm rau, củ, quả được sơ chế, chế biến, bảo quản, phân loại đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, giảm tỷ lệ nông sản xuất bán thô, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Trong 3 năm với kinh phí thực hiện hơn 300 tỷ đồng sẽ có 6 trung tâm sau thu hoạch, công suất chế biến từ 50.000 - 120.000 tấn sản phẩm mỗi năm tại mỗi trung tâm.
Phát triển chuỗi giá trị nông sản
Ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: Tỉnh Lâm Đồng luôn xác định phát triển chuỗi giá trị nông sản là hướng đi bền vững cho nông sản thế mạnh của địa phương. Trong nhiều năm qua, với nhiều giải pháp và kinh nghiệm có được từ các hội thảo, từ các chuyên gia nước ngoài… việc phát triển chuỗi giá trị nông sản luôn được chú trọng, mà “nút thắt” quan trọng đang được triển khai tháo gỡ đó là chuỗi giá trị thương hiệu và giá trị gia tăng, ngay từ khâu thu hoạch.
Vấn đề là cần thay đổi nhận thức trước hết của người mua hàng để bắt tay với các nhà vườn cùng thực hiện. Từ đó “liên kết ngang” giữa nhà nông với nhà nông kết hợp với “liên kết dọc” giữa nhà nông và doanh nghiệp, nơi tiêu thụ sẽ là cách quản lý chặt chẽ nhất, nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ. Cũng từ liên kết này, truy xuất nguồn gốc sẽ trở nên đơn giản rất nhiều.
Với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sản phẩm rau, củ, quả được qua sơ chế, chế biến, bảo quản và phân loại đúng quy trình kỹ thuật đạt 25-30%, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%,... tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhân rộng mô hình Trung tâm sau thu hoạch để sớm đưa nông sản địa phương đến nhiều thị trường, tăng giá trị chuỗi, giá trị gia tăng, nâng cao lợi nhuận cho sản phẩm.
Phát triển chuỗi giá trị nông sản mà quan trọng là nâng cao giá trị cạnh tranh của thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đang là hướng đi đúng đắn mà Lâm Đồng đang thực hiện.
DIỄM THƯƠNG (Baolamdong.vn)