VASEP: Logistics phát triển tạo ra lợi thế cạnh tranh
December 21, 2021
Ngành logistics Việt Nam đã có những sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Chỉ số hoạt động logistics gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là kết quả cao nhất mà Việt Nam từng đạt được.
Chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn “Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ” do Bộ Công thương tổ chức ngày 17/12, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: "Phát triển logistics tạo ra lợi thế cạnh tranh, nhất là trong thời điểm thế giới phục hồi sau đại dịch".
Lãnh đạo VASEP cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải chịu nhiều thách thức về chi phí, giá cược vận tải logistics gia tăng thời gian qua. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tận dụng “cơ hội vàng” trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm, thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu – Mỹ.
Ông Nam tổng hợp những rào cản ấy thành "nguyên tắc 5T" - gồm tăng về cước; tăng về phí; tăng thời gian vận chuyển; tăng tần suất hoãn, hủy chuyến; và tăng về các chi phí phát sinh.
Ví dụ như cước vận tải từ Việt Nam sang Mỹ, trước Covid-19, giá cước cao nhất là 3.500 USD, nhưng hiện nay rơi vào khoảng từ 12.000 - 14.000 USD/ container. Tương tự như vậy, giá cước sang Trung Đông cũng nhảy vọt từ 1.000 - 1.500 USD lên tới 10.000 - 11.000 USD/ container.
Thời gian vận chuyển cũng tăng trung bình từ 7-10 ngày. Cá biệt, theo ông Nam, có doanh nghiệp thủy sản bị trễ đơn hàng đến tận 2-3 tháng. Trong thời gian chờ xếp container rỗng, doanh nghiệp còn chịu thêm một loạt phí như phí nhiên liệu sạch, phí cân bằng container, phí kẹt cảng...
"Không còn cách nào khác, doanh nghiệp buộc phải tự tăng cường nguồn lực. Trong và sau thời gian dịch bệnh, giải pháp tập trung vào logistics. Chúng tôi đã đề nghị doanh nghiệp, cần tăng cường ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải lớn để đảm bảo thời gian", ông Nam nói.
Chung quan điểm với ông Nam, các chuyên gia đều nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là vô cùng cấp thiết, trong đó nhấn mạnh việc phát triển vận tải đa phương thức. Bên cạnh đường biển, việc phát triển vận tải đường sắt và đường thủy nội địa cũng rất cấp bách.
Ông Rolando Alvarez Viera, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) đưa ra tư vấn, rằng cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nên tập trung thêm cả vào số hóa, và tự động hóa. Trong đó, việc xây dựng cơ chế một cửa thương mại, quy trình không giấy tờ cần được đưa ra với hải quan.
Một giải pháp khác được ông Rolando nhấn mạnh, là các doanh nghiệp nên có phương án ưu tiên cơ chế gần bờ. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp cần vận chuyển hàng hóa sang Bắc Âu thì cần chọn điểm trung chuyển tại Hà Lan, Đức. Nếu tới Nam Âu, điểm tập kết nên đặt tại Tây Ban Nha hoặc Morocco. Điều này giúp doanh nghiệp giảm rủi ro trong việc lưu thông.
Khi lựa chọn điểm tập kết, lãnh đạo FIATA cũng đưa ra 7 tiêu chí lựa chọn: (1) tính kết nối logistics; (2) tính ổn định của khu vực chính trị; (3) độ ổn định của xã hội; (4) chính sách tiền tệ nước sở tại; (5) cơ sở hạ tầng giao thông; (6) vị trí địa lý; (7) độ thuận tiện khi trung chuyển.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận xét, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%.
Đến nay, cả nước đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp. "Đó là những tín hiệu rất đáng mừng cho triển vọng phát triển của ngành logistics của Việt Nam", ông Hải bày tỏ.
Trong thời đại 4.0, những giải pháp 4.0 trong logistics và đặc biệt là logistics phục vụ thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới cũng được đưa ra thảo luận tại diễn đàn.
Với nhận định, TMĐT xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, các diễn giả đã tập trung phân tích hiện trạng và đưa ra các khuyến nghị phát triển hệ thống e-logistics để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới.
TUYÊN QUANG Vụ cam năm nay, người trồng cam hữu cơ ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu lãi cả trăm triệu đồng vì cam được giá và được thị trường khó tính đón nhận.