Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Teckcom (Bình Dương). Ảnh: TL.
Về sản phẩm gỗ xuất khẩu, sẽ phải tập trung phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu thị trường cao và ổn định.
Trong đó, ưu tiên phát triển sản xuất, gia công các nhóm sản phẩm chính sau: Nhóm sản phẩm nội thất (bàn ghế, giường tủ, tủ bếp, bàn trang điểm, giá sách, ván sàn các loại); nhóm sản phẩm nội thất ngoài trời (ghế xích đu, cầu trượt, bàn ghế, ghế dài, ô dù); nhóm sản phẩm gỗ nhân tạo (ván ghép, ván ép, ván dăm, ván MDF); nhóm sản phẩm gỗ kết hợp với các vật liệu khác để tăng tính thẩm mỹ, độ bền, tiết kiệm gỗ (mây, tre, nhựa, kim loại, vải, da); nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ (bàn ghế, giường, tủ; sản phẩm sơn mài, tranh gỗ, tượng gỗ các loại, sản phẩm lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ trang trí kết hợp mây, tre, nứa, vật liệu khác); nhóm sản phẩm viên nén, dăm gỗ.
Về thị trường, sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu, tích cực xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng các thị trường mới có nhiều tiềm năng thuận lợi; triển khai hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Các nhiệm vụ khác là xây dựng và phát triển thương hiệu “Gỗ Việt Nam”, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu “Gỗ Việt Nam”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín của sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, mua bán, quản trị kinh doanh và ứng dụng công nghệ thông tin để bán sản phẩm trực tuyến hoặc qua nền tảng thương mại điện tử.