Bà Sawanee Phorang, một nông dân 44 tuổi ở huyện Doem Bang Nang Buat, tỉnh Suphan Buri (Thái Lan), gần đây đã thay đổi phương thức canh tác cấy lúa truyền thống của mình bằng cách áp dụng phương pháp san mặt ruộng bằng laser (LLL), một công nghệ tiên tiến mà bà khẳng định là “đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống” của mình.
Là đối tác của dự án Hành động quốc gia đối với lúa gạo Thái Lan (Nama) từ năm 2020, bà Phorang đã được đào tạo, tập huấn để giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lúa thông qua khái niệm trồng lúa khô và ướt.
Bà cũng được dạy cách sử dụng phân bón hợp lý và không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để dọn diện tích 60 rai đồng ruộng của gia đình, trước khi xuống giống vụ mới bằng công nghệ LLL.
"Khi chúng tôi điều chỉnh việc san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ mới này, chúng tôi đã giảm được một nửa chi phí nhiên liệu. Nó cũng giúp quản lý đất một cách hoàn hảo bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc bơm nước vào ruộng lúa, điều này cũng giúp tiết kiệm 50% thời gian của chúng tôi", bà Phorang nói.
Theo người nông dân này, tất cả các kỹ thuật trồng lúa mới mà họ học được từ dự án không chỉ đem lại lợi nhuận tốt hơn cho nông dân mà còn giúp ích cho môi trường. “Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc với nghề trồng lúa của mình để góp phần 'cứu thế giới' chỉ bằng cách thay đổi cách chúng tôi trồng trọt", bà Phorong chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia khuyến nông, công nghệ sản xuất lúa LLL có thể giúp tiết giảm chi phí đầu tư từ 5.000 bạt/rai (143,8 USD/0,16 ha) xuống chỉ còn 3.500 bạt/rai. Ngoài ra năng suất lúa trồng theo công nghệ mới cũng tăng từ 800 kg/rai lên 1.000kg.
Và điều đặc biệt hơn nữa là nông dân sản xuất lúa theo dự án có thể bán các khoản tín dụng carbon của mình cho châu Âu với giá 400 bạt/rai.
Những diễn biến mới mẻ trên là tin tức đáng mừng cho nhà nông trồng lúa tại Thái Lan, nhất là trong bối cảnh hầu hết đang điêu đứng vì lạm phát bùng nổ đã đẩy giá cả hàng hóa và chi phí sản xuất lúa lên cao.
Theo ước tính mới nhất, một nửa diện tích đất nông nghiệp ở Thái Lan được sử dụng để sản xuất lúa gạo, chiếm gần 55% lượng khí thải của ngành nông nghiệp.
Nước này cũng được xếp hạng là quốc gia phát thải khí nhà kính liên quan đến sản xuất lúa gạo lớn thứ 4 thế giới, đặc biệt là loại khí mê-tan có khả năng làm nóng lên toàn cầu cao gấp 28 lần so với khí cacbonic.
Hiện vương quốc này đã thực hiện cam kết quốc tế để đạt được mức trung tính carbon vào năm 2050 và không phát thải khí nhà kính vào năm 2065, với những nỗ lực mạnh mẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động do con người gây ra.
Chính vì vậy, điều này sẽ buộc phải mở rộng sang lĩnh vực trồng trọt, vốn cần phải chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang các phương pháp hiện đại hơn dựa trên công nghệ tiên tiến cũng như kết hợp với tuyên truyền, giáo dục tốt hơn.
Theo đó chính phủ Thái Lan, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Đức GIZ đã triển khai dự án Nama nhằm khuyến khích nông dân sản xuất nhỏ tại địa phương triển khai thực hiện sản xuất lúa ít phát thải một cách bền vững.
Các đối tác chính là Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC), thuộc Bộ Tài chính.
Dự án đang được thực hiện tại sáu tỉnh ở đồng bằng miền Trung gồm: Chai Nat, Sing Buri, Ang Thong, Ayutthaya, Pathum Thani và Suphan Buri. Mục tiêu của dự án là phấn đấu đạt 100.000 hộ trồng lúa với tổng diện tích 2,8 triệu rai. Dự án cũng đặt mục tiêu giảm lượng khí thải tương đương 1,7 triệu tấn carbon dioxide trong vòng 5 năm kể từ khi tiến hành vào năm 2018.
Nhằm khuyến khích mở rộng công nghệ LLL, GIZ đã kết hợp với BAAC ký kết khoản tài trợ 8,4 triệu euro (306 triệu bạt) để thực hiện lộ trình đồng thanh toán. Mục tiêu là cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho nông dân và doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp tiếp cận với việc chuẩn bị đất, dịch vụ LLL và quản lý cây trồng, những yếu tố cần thiết cho canh tác lúa thông minh với khí hậu ở Thái Lan.
Ông Reinhold Elges, giám đốc GIZ tại Thái Lan và Malaysia cho biết, sự kết hợp giữa công nghệ LLL và các phương pháp sản xuất khô và ướt xen kẽ làm giảm lượng khí thải mêtan từ 30-70%, đồng thời tăng đáng kể hiệu quả sản xuất, dẫn đến thu nhập cao hơn cho nông dân.
“Đó là một giải pháp win-win, tức đôi bên cùng có lợi”, ông Elges nói và cho biết, để giành được mục tiêu đạt được mức trung tính các-bon vào năm 2050 và không phát thải khí nhà kính vào năm 2065, Thái Lan phải cung cấp cho nông dân khả năng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ tiên tiến, đồng thời cho biết thêm rằng công nghệ LLL là sự phù hợp hoàn hảo cho vấn đề này.
Trong khi đó, ông Chalat Bhawangkananth, Giám đốc công ty công nghệ noong nghiệp Chokchai Agricultural Machinery cho biết, những khoản hỗ trợ tài chính nói trên là rất quan trọng đối với lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là những người muốn đầu tư vào mảng công nghệ.
Vị doanh nhân này cho biết, công việc kinh doanh của ông hiện đang phát triển mạnh do nông dân Thái Lan rất quan tâm đến việc áp dụng công nghệ mới này.