Ngoài sản xuất, sơ chế trái thanh long, HTX còn chọn thu mua các loại trái cây khác của nhà vườn trong và ngoài tỉnh như chanh dây, xoài, bưởi... để sơ chế, cung ứng cho các đối tác. Trung bình mỗi tháng, HTX sơ chế 50 - 100 tấn trái thanh long, hơn 50 tấn trái cây khác để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... và đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước.
Nhờ uy tín và sản phẩm chất lượng nên trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, HTX vẫn hoạt động thường xuyên, có đủ nguồn hàng theo hợp đồng với khách hàng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Ngoài ra, nhà xưởng, kho lạnh và các phương tiện bốc xếp, vận chuyển hàng hóa của HTX được đầu tư đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, giảm được lao động thủ công; trong đó kho lạnh có sức chứa 120 tấn trái cây.
Cũng trong thời gian này, anh Nguyễn Trung Quý, Giám đốc HTX đã cùng với các thành viên mạnh dạn nhận các đơn hàng từ Tổ công tác 970 (trực thuộc Bộ NN-PTNT). Đây cũng là một trong số rất ít HTX ở Tiền Giang tham gia cung ứng các gói combo theo đơn đặt hàng của Tổ công tác 970 để kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Vươn thị trường quốc tế
Nói về định hướng hoạt động của HTX thời gian tới, anh Nguyễn Trung Quý chia sẻ: Trong bối cảnh giá phân bón, vật tư tăng cao, HTX đã kết nối để liên kết với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền để cung cấp vật tư cho nông dân với giá gốc, chất lượng được đảm bảo.
Trong liên kết đầu ra, HTX đang nỗ lực tìm kiếm các khách hàng ngoài nước. Với vùng nguyên liệu và năng lực hiện có, HTX sẵn sàng sản xuất thanh long theo từng tiêu chuẩn của các thị trường riêng biệt như Nhật, Hàn, Mỹ, New Zealand, EU, Trung Quốc… Hiện HTX đang xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu.
"Nông dân sẽ dần hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết để không còn phải chịu cảnh giá thanh long bấp bênh. Định hướng của HTX là tìm kiếm các hợp đồng liên kết tiêu thụ trước khi để thành viên, nông dân bắt tay vào xông đèn cho ra trái đồng loạt”, anh Quý nói.
Hiện nay, HTX Hưng Thịnh Phát cũng bắt đầu tìm hiểu và đưa số hoá vào quy trình quản lý trái thanh long. Sắp tới, HTX sẽ áp dụng nhật ký điện tử quản lý, chăm sóc trái thanh long.
“Hiện chúng tôi đang xây dựng lại từ cơ cấu, tổ chức, con người, hệ thống cũng như định vị mã vùng trồng, xác định lại vị trí từng thửa đất của hộ nông dân để xin cấp mã vùng cho sản phẩm xuất khẩu. Khi xin được mã vùng, HTX sẽ thực hiện chương trình hợp tác tiêu thụ trái thanh long, liên kết với các công ty để sản xuất theo nhu cầu.
Khi khách hàng quét mã vạch trên trái thanh long, sẽ biết người sản xuất, sản xuất lô nào, ngày nào, ai chăm sóc, đã sử dụng phân bón và hoá chất như thế nào…, nghĩa là có truy xuất nguồn gốc. Mình xây dựng bài bản như vậy mới mong bán trái thanh long ra bên ngoài có giá trị”, anh Nguyễn Trung Quý tâm sự.
Được biết hiện nay, HTX Hưng Thịnh Phát cũng đã được Sở NN-PTNT Tiền Giang hỗ trợ, phối hợp xây dựng kho lạnh đạt tiêu chuẩn Châu Âu để phục vụ chiến lược xuất khẩu.
Một tín hiệu vui là thời gian tới, sẽ có một doanh nghiệp Nhật Bản đến và bắt tay với HTX Hưng Thịnh Phát để liên kết sản xuất.
Đơn vị này sẽ có đội ngũ kỹ thuật đến hướng dẫn nông dân vùng nguyên liệu kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Sản phẩm sản xuất ra đã được đơn vị này đặt hàng và xuất khẩu tại thị trường Nhật. Với cách làm mới này, HTX sẽ chủ động được lịch thời vụ cho từng tổ sản xuất, từng nông hộ.