Song song với việc nâng cao chất lượng, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khuyên địa phương tích cực tham gia các chuỗi liên kết nội tiêu.
Du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm nay, nghề nuôi cá nước lạnh đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người chăn nuôi. Tiềm năng phát triển cá nước lạnh của Việt Nam được xác định là rất lớn, tập trung chủ yếu ở 3 vùng là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và khu vực trung du, miền núi của các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay, cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh. Trong số này, Lào Cai là một trong những địa phương phát triển nhanh.
Theo Sở NN-PTNT Lào Cai, toàn tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tập trung tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Sản lượng cá nước lạnh của tỉnh ước đạt khoảng 700 tấn, đem lại giá trị khoảng 150 tỷ đồng/ năm, đồng thời giải quyết việc làm cho trên 500 lao động.
Giàu tiềm năng và dư địa phát triển, nhưng Lào Cai nói riêng cũng như các địa phương khác nói chung chưa tìm được nhiều chuỗi liên kết tới siêu thị.
Phát biểu tại Diễn đàn Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau quả nông sản phía Bắc (phiên thứ 16 của Diễn đàn Kết nối Nông sản 970) diễn ra ngày 18/12, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ: "Nếu Lào Cai đưa được sản phẩm vào siêu thị, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh về giá, giúp người tiêu dùng bình dân có thể tiếp cận những sản phẩm giá trị cao này. Qua đó, khả năng tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng".
Theo bà Hậu, Lào Cai đã có những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hợp lý, nên có phương án tăng cường các chuỗi liên kết, tạo thêm giá trị thặng dư cho người dân. Hiện nay, những sản phẩm cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi, siêu thị vẫn chủ yếu phải nhập khẩu.
Trên cơ sở đó, bà Hậu mong muốn, qua Diễn đàn kết nối nông sản 970, các đơn vị sẽ trao đổi thông tin với nhau một cách thấu đáo, cùng nhau phối hợp tháo gỡ những khó khăn về đầu ra, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng tiêu thụ cho các sản phẩm.
“Sản phẩm rất tốt mà không có đầu ra ổn định thì rất là đáng tiếc cho công sức của các hộ sản xuất”, bà Hậu nhấn mạnh.
Bên cạnh cá nước lạnh, bà Hậu cho rằng, các mặt hàng nông sản của Lào Cai và các tỉnh phía Bắc hết sức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ bị ảnh hưởng rất nhiều do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Qua nghiên cứu trong các đợt giãn cách xã hội, việc tiêu thụ sản phẩm ở hộ gia đình có xu hướng tăng lên. Do đó, để sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, bà Hậu khuyến cáo các hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh giá bán hợp lý… để dễ dàng được thị trường nội địa chấp nhận.
Bên cạnh đó, người sản xuất cần cập nhật công nghệ mới nhất, đẩy mạnh việc bán hàng qua nhiều kênh khác nhau, giúp công tác tiêu thụ thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh việc mua hàng trực tiếp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Bà bày tỏ mong muốn, chính quyền địa phương có nhiều chính sách đúng đắn, kịp thời hỗ trợ HTX, người dân nâng cấp phương tiện sản xuất, bán hàng để thích nghi tình hình mới.
Lưu ý cuối cùng bà Hậu nêu ra, là trên thị trường và các chợ, siêu thị đang có sự chênh lệch rất lớn về giá bán các sản phẩm, gây khó khăn cho công tác tiêu thụ. Người tiêu dùng gặp bối rối trong việc lựa chọn, tiếp cận với những sản phẩm thực sự chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Công ty CP hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI cho biết, xu hướng tiêu dùng của người dân đang chuyển sang những sản phẩm nông sản chất lượng cao.
Nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến logistics, bà Thu đề xuất một số giải pháp như tạo các điểm tập kết tại các vùng nguyên liệu lớn như Lào Cai, Sơn La… Điểm này sẽ tập trung toàn bộ thông tin về sản lượng, năng suất, giá bán… của người dân.
Theo lời bà Thu, thời gian tới, công ty của bà sẽ tập trung phân phối cho hệ thống chung cư tại Hà Nội qua các nền tảng số.
TUYÊN QUANG Vụ cam năm nay, người trồng cam hữu cơ ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu lãi cả trăm triệu đồng vì cam được giá và được thị trường khó tính đón nhận.