July 25, 2022
Là vùng đất có nhiều giống dược liệu quý, những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã khuyến khích người dân trồng và mở rộng diện tích cây dược liệu, đồng thời, tổ chức hoạt động liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học với doanh nghiệp, đưa vào thử nghiệm một số mô hình trồng, chế biến dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục thúc đẩy ngành dược liệu phát triển trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế nông nghiệp của tỉnh, Lào Cai đã và đang quy hoạch phát triển vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, từng bước tạo thương hiệu cho dược liệu Lào Cai.
Được mệnh danh là xứ sở của các loại cây dược liệu, với rất nhiều cây thuốc bản địa cùng với những tri thức về nghề thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số, Sa Pa đã và đang có nhiều triển vọng trong phát triển cây dược liệu, điển hình như mô hình trồng cây atiso - do Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa thực hiện liên kết sản xuất với nông dân Sa Pa. Hằng năm, Traphaco Sa Pa ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học với Đại học Y Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Công ty Cổ phần Hợp tác phát triển DCA để cải tiến sản phẩm và nghiên cứu sản phẩm mới, đồng thời, mời các chuyên gia Hà Lan đến làm việc tại công ty để nghiên cứu thay đổi quy trình sản xuất... Hiện, Traphaco Sa Pa đã mở rộng vùng trồng lên hơn 100ha, kiểm soát vùng thu hái cây thuốc tự nhiên 35.000ha theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới GACP - WHO.
Các xã có thế mạnh về cây thuốc và tri thức bản địa về các bài thuốc quý tại Sa Pa cũng đã mạnh dạn hướng dẫn nông dân để phát triển mô hình này, đưa vào dịch vụ du lịch, tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số. Điển hình như xã Tả Phìn, hiện tại có khoảng 45ha cây dược liệu (atiso, tía tô và cây dược liệu khác). Mỗi năm, người dân Tả Phìn thu về 4 tỷ đồng từ trồng cây dược liệu. Việc phát triển trồng cây dược liệu giúp người dân Tả Phìn nâng cao thu nhập. Ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các đơn vị liên kết trồng, tiêu thụ để giúp người dân phát triển, mở rộng mô hình trồng cây dược liệu trong thời gian tới”.
Thị xã Sa Pa phấn đấu đến năm 2025 có 400ha cây dược liệu, tập trung vào các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, atiso, giảo cổ lam, xuyên khung, tam thất, đương quy..., nhằm khai thác tối đa lợi ích khi kết hợp giữa du lịch với nông nghiệp dược liệu. Vùng sản xuất dược liệu sẽ tập trung tại các xã, phường: Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Hàm Rồng, Sa Pả, Liên Minh, Mường Bo. Sa Pa cũng sẽ xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu nhằm nâng cao giá trị của dược liệu; tăng cường, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định; khai thác hiệu quả và bảo tồn cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế và y dược.
Sau thị xã Sa Pa, vùng đất Bắc Hà và Si Ma Cai cũng được xem là 2 địa phương có nhiều triển vọng trong quy hoạch phát triển dược liệu của tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngoài các mô hình trồng cây đương quy, cát cánh, xuyên khung ở Bắc Hà, 3 năm trở lại đây, huyện Si Ma Cai đã được biết đến với sản phẩm tam thất. Năm 2021, huyện Si Ma Cai mở rộng diện tích hơn 100ha cây dược liệu.
Huyện cũng xác định sẽ đầu tư vào việc sơ chế để nâng cao giá trị các loại cây dược liệu, tiến tới trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại các xã Sín Chéng, Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn và Nàn Sín. Hiện, huyện Si Ma Cai có trên 130ha trồng cây dược liệu như: đương quy, tam thất, sả Java, nghệ đỏ..., với hơn 200 hộ dân tham gia trồng.
Đến thời điểm này, người dân các xã của huyện Si Ma Cai đã được hỗ trợ khoảng trên 10 tỷ đồng cho việc phát triển cây dược liệu. Huyện Si Ma Cai cũng đã thành công trong việc chế biến sản xuất trà túi lọc tam thất và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, Si Ma Cai sẽ tập trung phát triển một số cây dược liệu có thế mạnh và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 500ha.
Để phát triển ngành dược liệu bền vững, tỉnh Lào Cai đã tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Trong đó, vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân có cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng (khi người dân tham gia trồng dược liệu sẽ được hỗ trợ về giống, phân bón, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc...). Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất, tiến hành liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tiêu thụ sản phẩm. Với nhiều cách làm sáng tạo đã góp phần cho diện tích cây dược liệu tăng nhanh trên địa bàn các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát và thị xã Sa Pa.
Thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp để có sự liên kết giữa nhà nông với các doanh nghiệp trong hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng cây dược liệu được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo đầu ra ổn định trên thị trường. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã sơ chế các sản phẩm, nâng cao giá trị. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn.
Cây dược liệu là một trong những cây hàng hóa chủ lực theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo kế hoạch phát triển, trong năm 2022, người dân các địa phương tại Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát và thị xã Sa Pa sẽ mở rộng thêm 98ha trồng cây dược liệu. Trong khi đó, hết năm 2021, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 3.584ha, tập trung chủ yếu ở một số địa phương: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bát Xát. Một số địa phương đẩy mạnh phát triển nhóm cây dược liệu chiết suất tinh dầu để nâng cao giá trị.
Nguồn: Lê Thanh Cường/ bienphong.com.vn
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016