Giàn nho chữ Y do Viện Nha Hố thiết kế. Ảnh: Minh Hậu.
Trước tình hình này, Viện Nha Hố đã nghiên cứu, cải tiến kiểu giàn nho qua đầu thành giàn nho chữ Y đối với nho ăn tươi và kết hợp làm màng nilon che mưa, lưới chắn côn trùng, kiểu giàn hàng rào đối với sản xuất nho chế biến rượu. Các mô hình này đã phù hợp với điều kiện khô nóng và gió lớn quanh năm tại các tỉnh Nam Trung bộ.
Đồng thời, Viện cũng nghiên cứu, đưa vào ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới, có gắn sensor cảm ứng theo dõi độ ẩm đất; thiết kế bao lưới chắn côn trùng có hệ thống ròng rọc để hạn chế các loại côn trùng và động vật hại quả nho.
Viện Nha Hố cũng nghiên cứu tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh để cải tạo đất. Cùng với đó, ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học trong trồng nho; sử dụng bao chùm quả nho để hạn chế bệnh và sâu hại tấn công, giúp giảm dư lượng thuốc BVTV trên quả nho khi thu hoạch. Cách làm này cũng góp phần đảm bảo được màu sắc quả nho giai đoạn thu hoạch.
Thiết kế bao lưới chắn côn trùng có hệ thống ròng rọc điều khiển do Viện Nha Hố xây dựng. Ảnh: Mai Phương.
“Mô hình sử dụng giống nho mới NH01-152, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất đã tiết kiệm trên 20% lượng nước tưới so với sản xuất thông thường; giảm lượng thuốc BVTV từ 55 - 60%, giảm lượng phân bón từ 15 - 20%; giảm số vụ sản xuất/năm (mô hình dùng giống nho mới sản xuất 2 vụ/năm còn người dân sản xuất giống Red Cadinal là 3 vụ/năm); sản phẩm nho đạt chất lượng tốt (Brix từ 16 - 18%), năng suất bình quân đạt 14 - 15 tấn/ha/vụ”, TS Mai Văn Hào chia sẻ.
Mô hình canh tác cây nho bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đã mang lại doanh thu cho nông dân từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với sản xuất truyền thống, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
Theo TS Mai Văn Hào, trong sản xuất nho tại vùng Nam Trung bộ nói chung và Ninh Thuận nói riêng, thời gian qua chịu sự tác động bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là mưa đã ảnh hưởng lớn đến sự an toàn và hiệu quả sản xuất. Trong mùa mưa, bệnh gây hại trên cây nho rất nhiều, vì vậy việc sử dụng thuốc BVTV của người dân cũng tăng lên. Đặc biệt, người dân sử dụng nhiều thuốc BVTV nhưng năng suất và chất lượng nho vẫn không đảm bảo, nhiều trường hợp vẫn bị mất trắng.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển nho chất lượng cao, Viện Nha Hố đã xây dựng mô hình kỹ thuật trồng nho ứng dụng công nghệ cao. Viện đã thiết kế các kiểu nhà màng, khắc phục được các hạn chế của các thiết kế trước, phù hợp với sản xuất nho tại vùng khô nóng và gió lớn.
Mô hình canh tác cây nho do Viện Nha Hố nghiên cứu chuyển giao cho hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Minh Hậu.
"Mô hình canh tác nho ứng dụng công nghệ cao đã giảm được nấm bệnh gây hại trên cây nho và giảm được chi phí BVTV hơn 60% trong suốt quá trình sản xuất. Mô hình cũng góp phần giảm công lao động trong sản xuất và nâng cao chất lượng nho. Đặc biệt, năng suất, chất lượng nho vào mùa mưa vẫn được đảm bảo. Đây là cơ hội cho việc phát triển mô hình ứng dụng trên quy mô lớn, tiến tới sản xuất nho hàng hóa. Đặc biệt các doanh nghiệp, hộ gia đình có quy mô diện tích lớn có thể áp dụng kiểu nhà màng này", TS Mai Văn Hào chia sẻ.
Từ năm 2019 đến nay, Viện đã cải tiến các kiểu nhà màng và đã ứng dụng vào sản xuất thuận lợi, chi phí sản xuất không quá cao. Theo đó, tất cả chi phí đầu tư cho nhà màng cũng như giàn trồng nho thiết kế theo kiểu chữ Y giao động từ 1,5 - 1,8 tỷ đồng/ha.
Nguồn: Mai Phương - nongnghiep.vn