May 4, 2022
Trận lũ trái mùa vào cuối tháng 3/2022 vừa qua làm trên 5.000 ha lúa đông xuân ở Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng. Việc khắc phục chưa xong thì đợt không khí lạnh trong những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 lại diễn ra bất thường. Mưa và gió lớn đã làm hàng ngàn ha lúa đang chín chờ gặt hoặc đã bắt đầu cúi đòng bị đổ rạp.
Cánh đồng ngoài của xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) rộng vài chục ha. Mấy ngày trước, lúa chín vàng khắp đồng, bà con tính toán sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 xong là bắt tay vào vụ gặt. Vậy mà, chỉ hai ngày mưa gió vừa qua, toàn bộ diện tích lúa trên đồng bị đổ rạp như có ai kéo một cái bừa khổng lồ đi qua.
Trên bờ ruộng, bà Nguyễn Thị Lài (xã Tân Ninh) nhìn mấy sào lúa chỉ còn mấy hôm nữa là gặt đã bị đổ rạp mà thắt lòng. Bà bảo, nhà có 5 sào ruộng, sau đận lũ được gia đình cố công chăm bón nên cũng tốt, được mùa. “Bây giờ thì lo đắng lòng đây. Nếu không tiết khô được nước thì hạt lúa sẽ nảy mầm, xem như bỏ. Nếu gặt kịp thì cũng tăng chi phí công gặt lên nhiều lắm”, bà Lài thở dài.
Ông Lê Văn Hải (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết, do lúa chín sớm nên hơn 6 sào ruộng của ông đã sắp thu hoạch. Bây giờ gặp cảnh “cơm sôi lửa đỏ, lúa chín trời mưa” thì như gặp hạn nặng. “Vùng đồng khó có thể tiết nước ra. Gặt máy thì không thể được vì nước ngập. Kêu người gặt thủ công thì công cao nên tính ra có khi lỗ vốn. Nếu ruộng ngâm sau 3 ngày thì lúa bị lên mộng, nảy mầm hư hại gần hết. Vụ này tưởng được mùa, nhưng không khéo lại trắng tay”, ông Hải nói như khóc.
Chiều 3/5, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình đã trực tiếp kiểm tra tình hình lúa bị đổ rạp trên đồng tại các địa phương của huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch. Theo ông Minh, ban đầu thống kê diện tích lúa bị đổ rạp lên tới trên 3.500 ha. “Trong đó, huyện Quảng Ninh thiệt hại nặng nhất, kế đến là huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa...”, ông Minh cho hay.
Để kịp thời cứu lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa gió gây ra, Sở NN-PTNT Quảng Bình khẩn trương chỉ đạo, khuyến cáo bà con nông dân tích cực khắc phục bằng cách thoát nước, tiêu úng trong ruộng càng sớm càng tốt.
“Đối với những diện tích lúa bị ngã đổ đang chín tới, bà con chủ động gặt hái, thu hoạch sớm với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Phần diện tích lúa còn xanh khắc phục bằng cách buộc và dựng lại thành từng cụm cho khóm lúa thẳng lên nhằm hạn chế thiệt hại”, ông Mai Văn Minh khuyến cáo...
Tại huyện Quảng Ninh, những ngày qua mưa lớn kèm gió mạnh khiến hơn 1.700 ha lúa của địa phương bị ngã đổ. Đây cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng NN--PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, diện tích lúa đổ rạp nhiều nhất tập trung ở các xã: Tân Ninh 552ha, An Ninh 337ha, Duy Ninh 155ha, Vĩnh Ninh 122ha… Ngoài ra, mưa lớn cũng đã làm 9ha dưa hấu của người dân trên địa bàn xã Hàm Ninh bị ngập úng.
Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân khắc phục diện tích bị đổ rạp bằng cách thoát nước trong ruộng, dựng cây, bó lúa lại thành từng cụm. Những diện tích lúa bị ngã đổ đang chín tới thì tiến hành thu hoạch sớm nhằm bảo đảm năng suất. “Bà con nông dân cũng cần tích cực thăm đồng, thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin dự báo thời tiết để chủ động các biện pháp bảo vệ lúa”, ông Thuận nói thêm.
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016