July 18, 2022
Sầu riêng chỉ có một mùa trong năm, nhưng nhu cầu sử dụng lại quanh năm. Đó chính là lý do để ông Thọ nghĩ tới việc tách múi và cấp đông sản phẩm để cung ứng cho thị trường.
Ban đầu, sản lượng sầu riêng chế biến của cơ sở chỉ vào khoảng 10 tấn. Tới năm 2019, nhận thấy Đắk Nông phát triển mạnh về cây ăn trái, nên cơ sở đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống các kho cấp đông quy mô lớn.
Đến nay, mỗi năm, cơ sở chế biến trên 3.000 tấn sầu riêng tươi. Sầu riêng thu mua chủ yếu ở Đắk Nông, Bình Phước và Đắk Lắk; trong đó, sản lượng thu mua tại Đắk Nông chiếm hơn 50%.
Ông Nguyễn Xuân Thọ hướng dẫn công nhân tách múi sầu riêng chuẩn bị cho quá trình cấp đông sầu riêng.
Ông Thọ chia sẻ, nhận thấy nhiều đối tác Trung Quốc có nhu cầu về mặt hàng sầu riêng cấp đông, nên gia đình đã quyết định đầu tư các kho đông lạnh với quy mô lớn. Việc cấp đông đã giúp sầu riêng được bảo quản lâu hơn.
Đến nay, gia đình ông đã đầu tư 7 kho đông lạnh, với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Các kho cấp đông có sức chứa khoảng 180 tấn sản phẩm đã qua tách vỏ.
“Giải pháp này đã giúp tiêu thụ lượng lớn nông sản cho bà con trong vùng. Giá trị kinh tế cho trái sầu riêng sau cấp đông tăng gấp 2 - 3 lần so với bán nguyên trái”, ông Thọ cho biết.
Để quả sầu riêng đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, ông Thọ đã liên kết với nông dân trồng và thu hái. Ông thường vào tận vườn hỗ trợ, hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc trái, thu hái sầu riêng đúng cách.
Sản phẩm sầu riêng của gia đình ông Thọ chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Việc cấp đông sầu riêng theo quy trình chuẩn, giữ được độ tươi ngon, chất lượng, đem lại lợi nhuận từ 3-5 tỷ đồng/năm.
Cơ sở chế biến sầu riêng của ông Thọ đang tạo việc làm cho khoảng 100 nhân công địa phương, với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Xuân Thọ còn gương mẫu, nhiệt tình trong mọi phong trào, tích cực hưởng ứng các hoạt động trên địa bàn.
Ông luôn tiên phong trong việc đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn, từ đó bà con trong thôn noi theo. Mỗi năm, ông đều trích khoảng 200 triệu đồng để đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo ông Thọ, quá trình làm ăn, ông luôn được địa phương và chính quyền các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện. Hầu như ông không gặp sự cấm đoán, nhũng nhiễu nào trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Cơ chế làm ăn thông thoáng, người dân như tôi đều thoải mái trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, tôi luôn sẵn sàng đóng góp, ủng hộ địa phương trong các hoạt động", ông Thọ chia sẻ.
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, toàn xã có 120 ha sầu riêng, với sản lượng mỗi năm khoảng 2.000 tấn. Trước kia, bà con chủ yếu bán sầu riêng cho thương lái, thu nhập bấp bênh.
Vì vậy, trên địa bàn có cơ sở chế biến sầu riêng với quy mô lớn như gia đình ông Thọ là điều kiện giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Nguồn: Lê Dung (Báo Đắk Nông)/ danviet.vn
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016