August 8, 2022
Lâm Đồng được xem là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; nông sản của tỉnh đã có mặt trên khắp thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, do giá cả vật tư, chi phí đầu vào sản xuất tăng đột biến, cộng với đầu ra sản phẩm không ổn định nên ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả sản xuất của nông dân.
Trước thực tế này, ngoài tăng cường các giải pháp hỗ trợ nông dân trong tổ chức sản xuất, ngành nông nghiệp Lâm Đồng còn đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98 của Chính phủ.
Vụ rau vừa qua mặc dù được mùa nhưng nông dân Phan Tùng Châu, ở thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) vẫn không vui vì nguồn thu nhập bị giảm đáng kể so với trước. Sở dĩ có chuyện này do giá cả vật tư nông nghiệp không ngừng leo thang, chi phí đầu vào sản xuất tăng vọt trong khi đầu ra sản phẩm không ổn định, thiếu tính liên kết sản xuất theo hướng bền vững.
“Hiện giờ giá cả vật tư nông nghiệp tăng quá cao, chi phí đầu vào sản xuất tăng. Trong khi đó, hàng bán ra, hầu hết các mặt hàng rau tại đây đều có giá thấp, đầu ra không ổn định vì chủ yếu là bán cho thương lái” - nông dân Phan Tùng Châu chia sẻ.
Ngược lại với ông Phan Tùng Châu, tuy có ảnh hưởng đáng kể bởi chi phí đầu vào tăng cao nhưng nhờ giá cả và đầu ra sản phẩm ổn định thông qua các liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng, nhiều nông dân khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đảm bảo đạt doanh thu trên cùng đơn vị diện tích cach tác.
Đơn cử là vùng trồng sầu riêng chất lượng cao tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), nhờ triển khai có hiệu quả đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98 của Chính phủ, hàng trăm nông dân trồng sầu riêng nơi đây đã ổn định được đầu ra, nâng cao thu nhập.
Ông Võ Hữu Long, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy ở thôn 6, xã Lộc An cho biết, từ năm 2014 đến nay, thị trường và đầu ra cho trái sầu riêng tỉnh Lâm Đồng khá ổn định. Chưa có năm nào giá sầu riêng giảm xuống mức dưới 40.000 đồng/kg hay rơi vào tình trạng phải giải cứu vì thị trường tiêu thụ chậm.
Đặc biệt, nhờ thực hiện liên kết sản xuất bền vững và hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân, sầu riêng nơi đây còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển khi đã được xuất khẩu chính ngạch.
Ông Võ Hữu Long cho biết: “Sầu riêng của mình xuất khẩu không thể muốn xịt thuốc là xịt hay cắt non là cắt được, bởi khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất thì HTX phải cắt quả sầu riêng đúng tuổi cho doanh nghiệp. Và tôi xuất khẩu mang qua đó bán thì giá trị cạnh tranh của quả sầu riêng mình mới nâng lên, cạnh tranh được với Thái Lan.
Khi tham gia chuỗi liên kết là có điều khoản thỏa thuận, giá trị cao là vậy. Còn nông dân tự sản xuất bên ngoài, mạnh ai nấy làm, ông này làm tốt ông kia làm xấu thì cuối cùng đều là hàng xấu. Vì vậy khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất là có lợi hơn nông dân sản xuất tự phát, không ai quản lý được”.
Tại Lâm Đồng, đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thực hiện trong giai đoạn 2019 đến 2023, với tổng kinh phí khoảng 270 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 51% vốn ngân sách nhà nước từ nguồn xây dựng nông thôn mới và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; gần 49% số tiền còn lại là vốn đối ứng từ doanh nghiệp, HTX và nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, hiện Lâm Đồng đã xây dựng và phát triển được 182 chuỗi liên kết, với gần 16.000 hộ trồng trọt và 2.445 hộ chăn nuôi. Giá trị sản xuất thông qua chuỗi liên kết trong năm 2021 đạt 14 ngàn 378 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp trong tỉnh.
Riêng rau, củ quả tươi tăng từ 20 - 25% giá trị sản phẩm so với sản xuất bình thường. Tới đây, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích để phát triển thêm nhiều mô hình liên kết mới, đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Châu bày tỏ: “Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp, HTX khép kín từ sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm theo chuỗi được ổn định được ổn định đầu ra, nâng cao giá trị, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, vơi kết quả đạt được như vậy nhưng sản lượng nông sản của tỉnh ngày càng tăng thì nhu cầu thiêu thụ ổn định thông qua liên kết vẫn còn rất lớn. Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, chúng tôi vẫn bố trí một phần kinh phí để tiếp tục thực hiện mở rộng và phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất mới”./.
Nguồn: Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016