Tối đa hóa các nguồn lực cho Hoạt động Phát triển Chăn nuôi
December 27, 2021
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ngành chăn nuôi cần tạo nguồn lực tối đa để thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Tăng trưởng 5 - 6% trong một năm khó khăn
Ngày 23/12, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gián đoạn lưu thông, vận chuyển và làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.
“Năm 2021, ngành chăn nuôi đã có sự phát triển bền vững, đảm bảo được nhu cầu về thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu. Đến nay, đàn lợn cả nước vẫn được duy trì 28,1 triệu con; khoảng 8,8 triệu con trâu bò; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,18 triệu tấn; 16,7 tỉ quả trứng và 1,3 triệu tấn sữa”, ông Dương Tất Thắng thông tin.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, ước tính cả năm 2021, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn (tăng 6,1%); thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn (tăng 5,8%); thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn (tăng 6%); sản lượng trứng khoảng 16 tỷ quả (tăng 7,5%); sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).
Ước tính tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2021 đạt 21,4 triệu tấn (tăng 5,9% so với năm 2020), trong đó thức ăn cho lợn đạt khoảng 10,88 triệu tấn (tăng 22%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 9,75 triệu tấn (giảm 8,7%), thức ăn cho vật nuôi khác khoảng 0,76 triệu tấn (tăng 7,3%).
11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, tăng 4,0 % so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 3,1 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt từ 4% đến 5%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4,0%; sản lượng trứng đạt khoảng 16,7 tỷ quả và sản lượng sữa đạt khoảng 1,3 triệu tấn.
Tạo nguồn lực cho Chiến lược phát triển chăn nuôi
Năm 2022, theo dự báo dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 trong năm 2021 tác động kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 sẽ góp phần tiếp tục phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá, có định hướng thị trường, đáp ứng đủ các loại nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu những sản phẩm có tiềm năng như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, các sản phẩm sữa, mật ong chế biến, thức ăn chăn nuôi.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả ngành chăn nuôi đã đạt được trong năm 2021. Theo đó, Cục Chăn nuôi cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tạo nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
“Muốn phát triển chăn nuôi bền vững, phải giải quyết bài toán môi trường, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, về khoa học công nghệ cần thể hiện được vai trò để tạo động lực xây dựng chuỗi khép kín. Việc thực hiện Chiến lược phải đặt mục tiêu cho từng năm, gắn liền với đó phải có giải pháp để thực hiện”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
TUYÊN QUANG Vụ cam năm nay, người trồng cam hữu cơ ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu lãi cả trăm triệu đồng vì cam được giá và được thị trường khó tính đón nhận.