Nhân rộng, ương nuôi nguồn cá quý giúp nhiều nông dân của Tuyên Quang sống được bằng nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 2.225 lồng cá, sản lượng khai thác trung bình năm đạt 9.800 tấn, trong đó riêng cá đặc sản là 854 tấn.
Nghề nuôi cá lồng đặc sản phát triển trong khi môi trường nước tự nhiên bị thu hẹp nên luôn trong tình trạng không đáp ứng được nhu cầu về giống của người dân. Để khắc phục khó khăn này, những năm qua ngành thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã nhân giống thành công nhiều loài cá quý, như lăng, bỗng, chiên.
HTX Sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên được thành lập từ năm 2016. Đến nay HTX có 12 thành viên đều nuôi cá lồng trên sông Lô thuộc thôn Ba Luồng, Bình Thuận với tổng quy mô 63 lồng nuôi cá chiên, cá bỗng. Nuôi cá lồng, nhất là cá chiên, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây là một trong năm loài cá quý hiếm trên sông Lô ở Tuyên Quang.
Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc HTX cho biết, hiện nguồn giống cá quý trong tự nhiên ngày một khan hiếm do môi trường sinh sản bị thu hẹp. Nếu như trung bình mỗi lồng có thể thả khoảng 100 con cá chiên nguồn giống trong tự nhiên không thể đáp ứng nhu cầu nuôi của các hộ dân. Bởi vậy, việc mua giống tại các cơ sở sản xuất giống chuyên nghiệp, đặc biệt là Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang có ý nghĩa rất lớn.
Trung bình, vòng đời mỗi lứa nuôi cá chiên của các hộ dân trong HTX từ một năm rưỡi đến hai năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2kg/con có thể xuất bán. Với giá bán cá trung bình từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí các hộ nuôi cá lãi từ 100 - 350 triệu đồng. Hiện sản phẩm cá chiên của HTX đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Song song với việc chú trọng công tác nghiên cứu, nuôi ương và nhân giống nguồn cá quý, tỉnh Tuyên Quang cũng triển khai việc thả tái tạo cá quý nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, giai đoạn từ năm 2017 - 2021, toàn tỉnh thực hiện thả tái tạo về môi trường tự nhiên hơn 330.000 con cá giống các loại, trong đó có nhiều giống cá quý là lăng, chiên, bỗng, dầm xanh, anh vũ.
Việc thả tái tạo giúp bảo tồn và nhân đàn các nguồn cá quý dần khan hiếm trong môi trường tự nhiên, nhất là những giống cá như bỗng, dầm xanh cần môi trường sinh sản, nở trứng và để cá con phát triển là các hang hốc có nguồn nước sạch, hàm lượng ô xi cao.
Cá chiên môi trường sinh sản nở trứng và sinh trưởng phát triển cần dòng nước sạch, siết, có ghềnh đá trong khi đó việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện trên các dòng sông khiến dòng chảy thay đổi gây khó khăn cho quá trình sinh sản và nhân rộng tổng đàn của những loài cá này.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, vừa qua, Sở NN-PTNT phối hợp với Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (Hà Nội), Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam (Tuyên Quang) triển khai Chương trình phát triển nguồn lợi thủy sản tại hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình.
Qua chương trình đã có hơn 4 triệu con cá giống các loại được thả về môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân sinh sống ven hồ thuỷ điện Tuyên Quang.
Dự kiến đến hết tháng 11/2022, các đơn vị sẽ thả thêm 130 tấn cá mè và các loại cá khác, tổng trị giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Hiện đã có trên 100 hộ dân tham gia chương trình và ký cam kết với các đơn vị trong việc đảm bảo an ninh, hoạt động khai thác, đánh bắt và xử lý môi trường theo đúng quy định.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc phát triển thủy sản bản tại Tuyên Quang hiện này là mực nước trên các con sông Lô, sông Gâm đang bị tác động lớn của các nhà máy thủy điện. Dòng chảy trên sông thay đổi, mực nước không ổn định khiến môi trường sống của nhiều loài cá nổi tiếng quý hiếm trên sông Lô như chiên, bỗng, dầm xanh, anh vũ bị đe dọa.
Nguồn: Đào Thanh - nongnghiepviet.vn