September 10, 2018
Giải pháp gần đây được nhiều chuyên gia nhắc đến là phát triển các chuỗi giá trị nông sản. Liên quan đến điều này theo chuyên gia nông nghiệp, TS.Đào Thế Anh- Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp – nông thôn Việt Nam cho biết, tình hình phát triển chuỗi giá trị nông sản trong nước đang có chiều hướng thay đổi tích cực. Đến hết năm 2017 đã có gần 700 chuỗi liên kết giá trị nông sản an toàn với khoảng 50% trong số này hoạt động hiệu quả. Hỗ trợ cho sự tiến bộ này là trong những năm gần đây đã có sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống bán lẻ thực phẩm hiện đại với xu hướng thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ chợ truyền thống sang mua bán lẻ hiện đại với tỷ lệ các siêu thị, minimart, cửa hàng tiện lợi ngày càng tăng tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong chuỗi nông sản Việt Nam. Đó là chi phí đầu vào quá cao do lạm dụng phân bón, nước và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, chất lượng hiệu quả sản xuất thấp do sản xuất manh mún, quy trình kỹ thuật sai, chất lượng không đồng đều; chi phí sau thu hoạch cao do giao dịch qua nhiều khâu trung gian, thiếu kho chứa bảo đảm tiêu chuẩn và vận chuyển đóng gói còn kém.
Một hạn chế lớn trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam là thiếu sự áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản trị kinh doanh, dẫn đến việc chi phí đầu vào cao mà sản xuất kém hiệu quả, giao dịch hậu thu hoạch (kho chứa, vận chuyển) tốn kém mà chất lượng sản phẩm lại thấp, thiếu thương hiệu và thông tin thị trường.
Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, mặc dù đã có những chính sách của nhà nước hướng tới việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị song khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là lựa chọn được doanh nghiệp đầu tàu, nhất là các doanh nghiệp dám đồng hành cùng nông dân nghèo, sản xuất nhỏ ở vùng sâu, vùng xa.
Để những nỗ lực trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản song hành với nông dân, ông Thành góp ý, thời gian tới, cần cải cách mạnh mẽ các hiệp hội, ngành hàng để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi. Song song đó, cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để các bên có điều kiện áp dụng công nghệ quản trị hiện đại từ truy xuất nguồn gốc cho đến quản lý chuỗi, chuỗi đông lạnh, xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Được biết việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản cũng là vấn đề được cử tri cả nước quan tâm tại kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội. Trong trả lời kiến nghị liên quan đến vấn đề này của cử tri, Bộ Công Thương cho rằng, việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ là nội dung có ý nghĩa quan trọng bảo đảm nguyên liệu “đầu vào” cho chế biến công nghiệp, đồng thời là cơ sở để bảo đảm hài hòa lợi ích của các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm.
Trước mắt, triển khai có kết quả Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Cần thực hiện “liên kết ngang” giữa các hộ nông dân, hình thành các vùng nguyên liệu lớn, cùng trà, cùng giống chất lượng cao; tổ chức, hình thành các “liên kết dọc” gắn doanh nghiệp với nông dân. Trên cơ sở liên kết sản xuất, giảm thiểu đầu mối trung gian, tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất sản phẩm theo từng khâu. Thực hành sản xuất nông nghiệp có chứng chỉ, đưa tỷ lệ diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các chứng chỉ khác. Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đồng bộ với việc cải tạo đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng. Tăng cường công tác khuyến nông để nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến.
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định. Tiếp tục phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Bộ Công Thương cũng đề xuất tăng cường phối hợp ở cấp địa phương giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương ở những địa phương nông sản có số lượng lớn. Thiết lập đầu mối tại tất cả các Sở Công Thương và tại Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương để tiếp nhận các thông liên quan đến tình hình tiêu thụ (sản lượng, giá cả, khả năng xuất khẩu, số lượng cần tiêu thụ trong nước... ) để kịp thời thông tin cho các địa phương yêu cầu các nhà phân phối, các chợ đầu mối tổ chức tiêu thụ.
Quang Lộc
(Theo CONGTHUONG.VN)
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016