June 29, 2022
"Muốn vươn ra thị trường thế giới cần thay đổi từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến cà phê phù hợp với biến đổi khí hậu, tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới" - tư duy đó đã thôi thúc anh Lưu Vinh Quang - chủ trang trại Tamba ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai quyết định chuyển dần một phần diện tích trong 200 ha cà phê của gia đình sang hướng sản xuất sạch.
Anh Quang cho biết, phần diện tích chuyển đổi được áp dụng qui trình canh tác hữu cơ để cho ra đời những quả cà phê sạch, chất lượng cao.
Ở trang trại Tamba, cà phê tươi được áp dụng quy trình phơi rất khác biệt, đó là phơi trên giàn cao, trong nhà kính khoảng 1 tuần để toàn bộ hương thơm của vỏ quả chín thấm đẫm vào hạt. |
Khâu tách hạt lép, hạt kém màu sắc… cũng được thực hiện bằng máy. Sau đó, thuê nhân công tuyển chọn lại bằng mắt, bằng tay nhằm đảm bảo sự đồng nhất của 100% các hạt cà phê.
Cà phê rang bằng máy siêu âm của Italia mà chỉ cần phát hiện hạt không đồng đều về chất lượng, kích cỡ là lập tức tự động dừng...
Anh Quang cho biết, quy trình khắt khe đó đảm bảo sản phẩm đạt được sự đồng đều về chất lượng, với mùi vị cà phê tinh khiết nhất. Nhờ vậy, ngay năm đầu chuyển đổi, 120 tấn sản phẩm cà phê bột của trang trại đã thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản, Đức với mức giá cao gấp 4 lần cà phê thường. Được biết, tháng 4/2022, trang trại đã tổ chức quảng bá sản phẩm tại Mỹ để từng bước thâm nhập thị trường này.
Trong quy trình trồng sâm Bố Chính hữu cơ của Công ty AgriPlus, nhân công chỉ được thuê ở khâu làm cỏ |
Cũng ở huyện Chư Păh, ông Nguyễn Phi Hoàng - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu hữu cơ AgriPlus lại quyết định chuyển 70 ha đất trồng chè trước đây sang trồng sâm Bố Chính - loại sâm được các nhà khoa học đánh giá là có dược tính rất cao, tương đương sâm Hàn Quốc.
Cánh đồng trồng sâm nằm ở độ cao hơn 670m so với mực nước biển nhưng rất bằng phẳng, khí hậu mát mẻ quanh năm. Sâm giống được nhập khẩu từ Nhật Bản với giá thành rất cao, trên 9 triệu đồng/kg. Toàn bộ quy trình làm đất, tưới nước được cơ giới hóa, sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng. Nhân công chỉ được thuê ở khâu làm cỏ.
Trồng khoảng 1 năm, sâm Bố Chính cho thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, với giá thành dự kiến tối thiểu 400.000đ/kg sâm tươi đối với loại có trọng lượng từ 0,2kg/củ trở lên. Doanh thu ước đạt 200 triệu đồng/ha.
Sự chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, sản xuất công nghệ cao ở Tamba hay Công ty Cổ phần Dược liệu hữu cơ AgriPlus nhằm cho ra đời những sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính trên thế giới, nhưng đồng thời cũng mang lại giá trị thu nhập rất cao cho nhà sản xuất là cần thiết, là con đường phát triển đúng đắn, bền vững của các trang trại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Tây Nguyên.
Các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, nhiều tiểu vùng khí hậu đan xen là một lợi thế lớn để ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước như: rau, hoa, quả xứ lạnh, cà phê, chè Ô long, Hồng đẳng sâm…
Nguồn tài nguyên nông nghiệp gồm: đất, nước, khí hậu đa dạng, rất thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của các loại nông sản.
Năm 2021, Tây Nguyên có 2 tỉnh là Đắc Lắk và Đắc Nông đạt giá trị xuất khẩu 01 tỷ USD trở lên và nông sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu. Một số loại nông sản của Tây Nguyên đã thâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và EU, đánh dấu bước tiến về chất lượng sản phẩm và hướng sản xuất xanh, sạch, công nghệ cao của doanh nghiệp là đúng đắn, là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài.
Lâu nay, Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Song theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, phía Trung Quốc kiên trì thực hiện chính sách "Zero COVID" nên tăng cường kiểm tra, siết chặt tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây của Việt Nam. Theo đó, các loại nông sản, hoa quả, trái cây muốn nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có giấy phép của cơ quan kiểm dịch, có đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói theo tiêu chuẩn và có chỉ dẫn xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.
Do vậy, những nông sản mà nông dân sản xuất tự phát, không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc khi thu hoạch rộ sẽ bị tắc đầu ra do thương lái không mua. Mặt khác, những mặt hàng của Việt Nam như: sầu riêng, chanh leo, dừa, roi, bưởi… chưa được phía Trung Quốc đưa vào danh mục mặt hàng nhập khẩu cũng gây khó khăn cho sản xuất trong nước.
Sầu riêng là một trong 6 loại cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng ở Đắc Lắk (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắc Lắk) |
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắk cho biết, năm 2021, giá bán sản phẩm nông lâm, thủy sản hầu hết đều giảm từ 20-50% so với cùng kỳ năm 2020 (lúa vụ Đông Xuân giảm 13- 15%, Vải giảm 15-20% Dứa giảm 40-50%, Xoài giảm 30-50%; Sầu riêng giảm 30-50%, Bơ giảm mạnh từ 50-70%) đã làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, vận chuyển tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế, thu nhập, tâm lý, khả năng đầu tư phát triển sản xuất, đẩy người nông dân vào tình thế bấp bênh, “đánh cược” với thị trường.
Trong chiều ngược lại, các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn đảm bảo làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với mức giá ổn định.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nông nghiệp Tây Nguyên có lợi thế so sánh bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng. Một số loại nông sản có sản lượng hàng đầu thế giới. Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp; sự gia tăng dân số, với tỉ lệ số dân yêu cầu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng sẽ làm biến đổi sâu sắc nền nông nghiệp.
Là tỉnh có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước nên Đắc Lắk đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và cơ giới hóa nông nghiệp - ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết.
Hiện nay, Đắc Lắk đã hình thành được một số khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M’gar quy mô 107,61ha; Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN (tại xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar): quy mô 45,07 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 526 ha do Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk đầu tư; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Ea Tân, huyện Krông Năng, quy mô 450ha… Lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hoá với nhiều dự án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất khép kín.
Tuy nhiên, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao rất tốn kém. Ví dụ nếu đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm nước thì nông dân phải bỏ ra 60 - 70 triệu đồng/ha. Mức chi phí này chưa phù hợp với số đông người nông dân mà chỉ các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã mới có khả năng thực hiện. Do đó, trước mắt cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ với cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có tính khả thi cao.
Mặt khác, các sở, ngành, địa phương cần thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, tập trung hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác và các trang trại, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hợp tác xã, tổ hợp tác và các trang trại tham gia các dự án sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi giá trị, nhất là những mắt xích còn thiếu và yếu như: cơ giới hóa, nghiên cứu sản xuất giống, bảo quản nông sản, hạ tầng logistics...
Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đối với các ngành hàng quan trọng ở Tây Nguyên như: cao su, cà phê, tiêu, rau, dược liệu… sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh để nông sản Tây Nguyên tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời giảm dần nguy cơ người dân phải "đánh cược" với sự bấp bênh của thị trường mỗi khi bước vào thời kỳ thu hoạch rộ./.
Loại:
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 22, 2021
Loại: Bán sỉ Thịt
November 19, 2021
Loại:
November 19, 2021
Loại: Xuất khẩu Hạt điều
Mar 14, 2016