Theo đó, các nghiên cứu lâm sàng về vacxin chống lại dịch tả lợn Châu Phi (ASF) tại quốc gia này đã mang lại kết quả khả quan, khi các chuyên gia đang bước vào giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines William D. Dar, Giám đốc Cục Chăn nuôi và Công nghiệp Động vật (BAI) Reildrin Morales, và Giám đốc điều hành trang trại Robina đã cùng công bố kết quả thử nghiệm vacxin tả lợn Châu Phi. Theo đó, các chuyên gia và giới chức đều khẳng định vacxin đang thử nghiệm đã tạo ra phản ứng miễn dịch sau khi tiêm ngừa trên đàn lợn.
“Trong thử nghiệm và qua theo dõi, không có dấu hiệu lâm sàng nào liên quan đến dịch tả lợn Châu Phi và tỷ lệ tử vong không liên quan đến dịch bệnh ASF tối thiểu đã được xác nhận. Tổng cộng 66% động vật lấy mẫu có kháng thể có thể phát hiện được đối với virus ASF”, ông Dar nói. Bên cạnh những kết quả khả quan, các nhà khoa học cho biết vacxin này có thể được bảo quản trong nhiều điều kiện nhiệt độ với thời hạn sử dụng từ 2 đến 6 tháng.
Với kết quả thử nghiệm đáng khích lệ của Giai đoạn 1 của vacxin tả lợn Châu Phi, Giai đoạn 2 của thử nghiệm sâu hơn đang được lên kế hoạch, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 6 năm 2022. Điều này sẽ liên quan đến thách thức virus thực tế đối với động vật đã được tiêm phòng.
Giám đốc điều hành trang trại Robina, Dante Palabrica, cho biết vacxin ASF rất quan trọng đối với an ninh lương thực của đất nước trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm. Ông Palabrica cũng tự tin rằng với ứng cử viên vacxin ASF mới này, đàn lợn của Philippines có thể được tái đàn, hồi sinh trong vòng 5 năm tới.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, nếu như ứng cử viên vacxin dịch tả lợn Châu Phi này sớm được chứng minh là có hiệu quả, ông sẽ đề xuất với Tổng thống Rodrigo Duterte về việc tiêm phòng diện rộng cho đàn lợn trên cả nước bằng nguồn kinh phí từ ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên Bộ trưởng William D. Dar cũng nhấn mạnh rằng, ngành chăn nuôi Philippines vẫn cần phải tăng cường các biện pháp an toàn sinh học như một giải pháp lâu dài khác. Ông Dar đồng thời tái khẳng định, chương trình tái lợn cần được tăng cường cùng với việc theo đuổi việc đảm bảo nghiên cứu- phát triển một loại vacxin hiệu quả chống lại dịch tả lợn Châu Phi.
Hiện tín hiệu vui đang quay trở lại với ngành chăn nuôi lợn Philippines khi trong quý đầu tiên của năm 2022 đã bắt đầu tăng trưởng, cho thấy chương trình tái sản xuất đang phát huy tác dụng.
Báo cáo của ngành chăn nuôi cho biết, hiện chỉ có 12 barangay (đơn vị hành chính tương đương cấp xã- phường) vẫn còn các trường hợp lợn bị nhiễm dịch tả Châu Phi, con số thấp hơn đáng kể so với 3.774 barangay hồi dịch ASF bùng phát và kéo dài cách nay vài năm.
Nguồn: Hà Dương - nonnghiep.vn