Hội thi gặt lúa rươi hữu cơ của nông dân xã An Thanh huyện Tứ Kỳ.
Dự Lễ hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhân dân các vùng sản xuất rươi cáy thuộc huyện Tứ Kỳ.
Huyện Tứ Kỳ hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy tự nhiên. Tại các vùng sản xuất hữu cơ này đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với 5 tầng khai thác: dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa xuân trên ruộng, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả, tạo ra một hệ sinh thái trong lành và bền vững. Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hằng năm đạt khoảng 2.300 tấn (lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập từ 400-450 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2019, Tứ Kỳ có 3 sản phẩm nông nghiệp gạo bãi rươi, rươi cấp đông, cáy cấp đông được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Năm 2021, tiếp tục có thêm 2 sản phẩm là chả rươi và rươi niêu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Huyện Tứ Kỳ xác định khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững.
Đến nay, huyện Tứ Kỳ đã xây dựng được vùng sản xuất hữu cơ có quy mô 137 ha ngoài bãi xã An Thanh. Vùng sản xuất này đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN 110441-2:2017), với các sản phẩm được chứng nhận gồm: lúa 104,5 ha, chuối 25 ha, mít 5 ha, rau ăn lá 1,5 ha, rau gia vị 1 ha. Sản lượng trung bình đạt trên 1.000 tấn; giá trị sản xuất ước đạt 500-700 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện và của tỉnh Hải Dương.
Trong thời gian tới, huyện Tứ Kỳ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy với quy mô hàng trăm ha thuộc các xã An Thanh, Quang Trung, Bình Lãng, Chí Minh, Cộng Lạc, nâng diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy lên 700 ha năm 2025 và từng bước thực hiện việc chứng nhận hữu cơ cho diện tích này.