Từ ngày 15/12/2019, vải tươi Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản đồng ý mở cửa, cho phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Sản lượng xuất khẩu mặt hàng này vào Nhật Bản tăng đều qua từng năm.
Cụ thể, vào năm đầu tiên xuất khẩu (2020), lượng nhập khẩu vải tươi khoảng 40 tấn. Đến niên vụ thứ hai (năm 2021), sản lượng tăng gấp gần 10 lần, đạt khoảng 300 - 400 tấn. Con số này dự kiến sẽ tiếp đà tăng trong năm nay.
Thành công bước đầu của vải thiều Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Nhật Bản có nguyên nhân từ việc: Đây là một trong những loại hoa quả nhập khẩu được người tiêu dùng Nhật Bản mong chờ nhất trong mùa hè.
Nhằm quảng bá hình ảnh trái vải tươi Việt Nam rộng rãi hơn nữa, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức sự kiện giới thiệu trái vải tươi tại Lễ hội Việt Nam tại Tokyo năm 2022, diễn ra từ ngày 4-5/6/2022, trùng thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ tại Việt Nam.
Lễ hội Việt Nam tại Tokyo được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức thường niên từ năm 2008. Đây là sự kiện nằm trong chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Nhật Bản, qua đó góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Lễ hội năm 2021 có sự tham gia của hơn 40 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức, thu hút khoảng 30.000 lượt khách tham quan.
Điểm mới của buổi lễ năm nay, là Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và hai doanh nghiệp: Công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn Cầu giới thiệu trực tiếp vải tươi tới khách tham quan lễ hội. Du khách sẽ được trải nghiệm và có cơ hội ăn thử và cảm nhận vị ngon của trái vải tươi.
"Sự kiện lần này góp phần giúp trái vải tươi Việt Nam ngày càng được biết đến, được đón nhận và yêu mến hơn tại Nhật Bản", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết.
Trong hai vụ 2020 và 2021, trái vải tươi Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Nhật Bản rất thành công với lượng nhập khẩu năm đầu tiên đạt khoảng 40 tấn và tăng cao trong năm tiếp theo,
Trái vải Việt Nam chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng tại Nhật Bản, đặc biệt là số lượng lớn cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, những lô hàng vải chín sớm của Bắc Giang và Hải Dương đã cập cảng Nhật Bản bằng đường hàng không. Trước đó nhiều tháng, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi và thống nhất về kế hoạch đưa trái vải tươi Việt Nam vào Nhật Bản trong mùa vụ 2022.
Nhật Bản là quốc gia có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2022, nước này đưa ra yêu cầu kiểm tra dư lượng kháng sinh đối với các lô hàng vải từ Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã thông báo thông tin này về nước, nhằm nhanh chóng khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đảm bảo chất lượng trái vải, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản.
Song song với việc nâng chất lượng và giá trị sản phẩm, các công ty Việt Nam và đối tác Nhật Bản cũng đẩy mạnh hợp tác trong chuyển giao công nghệ bảo quản mới, giúp vải thiều có thể giữ màu sắc, hương vị trong thời gian lâu hơn.
Việc giám sát chất lượng được thực hiện trong tất cả các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hái. Đặc biệt, quả vải sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế ngay trong vòng 3 tiếng để giữ được độ tươi ngon.
Tại lễ hội năm nay, trái vải được đóng gói theo túi 1kg, 2kg hay 5kg, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu từ tiêu dùng cá nhân, đến mua làm quà tặng cho bạn bè, đối tác…
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 7,4 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 678,2 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm: thủy sản (490,2 triệu USD, tăng 14%); cà phê (110,1 triệu USD, tăng 45,4%); rau quả (50,1 triệu USD, tăng 7,5%); hạt điều (15,8 triệu USD, tăng 7%); hạt tiêu (6,5 triệu USD, tăng 121%); cao su (5,4 triệu USD, giảm 13,3%).